KỸ NĂNG LẬP KẾ HOẠCH CHĂM SÓC BẢN THÂN


Thạc sĩ tâm lý Ngô Minh Duy
Chăm sóc và yêu quý bản thân mình là việc khá quan trọng với mỗi người chúng ta. Có thể bạn nghĩ tôi thật là ngớ ngẩn khi đề cập đến vấn đề này, vì ai mà chả biết tự chăm sóc và yêu quý mình.
Có lẽ thế, nhưng một thân chủ có những vấn đề tâm lý như: trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc lưỡng cực,…khi tìm kiếm sự giúp đỡ của nhà trị liệu tâm lý thì dường như họ không nghĩ đến việc chăm sóc và yêu quý bản thân mình mà thay vào đó là sự không quan tâm, bỏ mặc, hành hạ, tự hủy… và thậm chí là tự tử. Vì thế, trong những trường hợp này, nhà trị liệu cần giúp thân chủ nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này đối với tiến trình trị liệu. Kỹ năng lập kế hoạch chăm sóc bản thân là cần thiết trong giai đoạn này. Vậy, chúng ta cần phải làm những việc gì cho bản thân để vượt qua khó khăn.
1. Tập những kỹ thuật thư giãn để giảm stress
Trong những lúc gặp khó khăn về tâm sinh lý, việc tập các bài tập thư giãn có tác dụng rất tốt trong việc giảm stress. Các bạn có thể tham khảo các bài tập này trong loạt bài viết về các bài tập thư giãn đã được tác giả đề cập. Thiền định và yoga là cần thiết trong giai đoạn này nhưng trước khi thực hiện nó bạn nên đi gặp nhà trị liệu tâm lý trước. Bởi vì, bạn không thể bắt đầu thiền định hay yoga trong khi những vướng mắc về tâm lý của bạn chưa được tháo gỡ. Nếu bạn bỏ qua điều này, có thể những cố gắng của bạn sẽ trở nên phản tác dụng.
2. Sử dụng hệ thống hỗ trợ của bạn
Hệ thống hỗ trợ là quan trọng và cần thiết dù lúc bạn thuận lợi hay khó khăn trong cuộc sống. Hệ thống hỗ trợ của bạn có tác dụng nâng đỡ bạn và chính điều này có thể giúp bạn nhanh vượt qua khó khăn hơn. Thành phần của hệ thống hỗ trợ bao gồm: bố/mẹ, vợ/chồng, anh/chị/em thân thiết, bạn thân, người yêu, nhà trị liệu tâm lý và cũng có thể là một số tổ chức xã hội. Nếu thân chủ chưa có hệ thống hỗ trợ, lúc này việc xây dựng hệ thống hỗ trợ cho thân chủ là một trong những mục tiêu quan trọng trong tiến trình trị liệu. Vì thế, bạn hãy xây dựng cho mình một hệ thống hỗ trợ ngay trong lúc còn khỏe mạnh.
Tham gia vào tiến trình trị liệu tâm lý một cách an toàn trong một môi trường không có sự phán xét, ở đó bạn có thể nói một cách tự do về những ý nghĩ và những cảm xúc của mình mà không cần nghĩ đến việc người khác sẽ phản ứng lại như thế nào. Trị liệu tâm lý rất có ích cho việc giải quyết vấn đề khó khăn của bạn. Đó là thành phần chuyên nghiệp nhất trong hệ thống hỗ trợ của bạn.
3.     Bắt đầu viết nhật ký
Khi còn là học sinh trung học, viết nhật ký là hoạt động thường thấy của nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, khi chúng ta lớn hơn thì việc này dần đi vào quên lãng. Một số người vẫn duy trì hoạt động này trong đời sống và viết nhật ký giống như là sở thích cá nhân của họ. Bạn đừng xem thường hoạt động này, chỉ viết thôi nhưng nó giúp bạn rất nhiều thứ đấy. Thay vì giữ những ý nghĩ và những cảm xúc ở bên trong thì hãy đưa chúng ra ngoài một cách an toàn và viết chúng ra giấy là một trong những cách như thế. Nhiều thân chủ cho rằng, “tôi nhiều việc lắm, tôi không có thời gian” Vậy bạn dành thời gian để những khó khăn đó tiếp tục tồn tại và quấy rầy cuộc sống của bạn sao?
4.     Ngủ và nghỉ ngơi hợp lý
Như đã đề cập trong bài viết 10 lời khuyên để có giấc ngủ ngon, giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong đời sống và cả trong tiến trình trị liệu tâm lý cho thân chủ. Một số thân chủ sẽ có triệu chứng mất ngủ khi gặp phải những khó khăn tâm lý. Nếu không ngủ được, bạn sẽ không thể tái phục hồi sức khỏe và vì thế bạn sẽ gặp khó khăn hơn. Cải thiện giấc ngủ lúc này trở thành một mục tiêu quan trọng trong tiến trình điều trị. Là một nhà trị liệu tâm lý, bạn không thể kê toa cho thân chủ dùng thuốc (trừ khi bạn là nhà trị liệu tâm lý đồng thời là bác sĩ tâm thần). Vì thế, hãy giới thiệu thân chủ của bạn đi gặp bác sĩ tâm thần để cải thiện giấc ngủ. Bạn nên tham khảo bài viết 10 lời khuyên để có giác ngủ ngon để có chế độ ngủ và nghỉ ngơi hợp lý.
5. Cười và cười thật lớn
“Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, khi bạn cười, stress sẽ giảm đi, tinh thần sảng khoái hơn. Bạn không nên quá bó buộc bản thân, thay vào đó hãy linh hoạt trong suy nghĩ và hành động và tìm kiếm sự hài hước trong cuộc sống. Xem phim hài là điều cần thiết.
6. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Với các thân chủ có khó khăn tâm lý, mất/tăng cảm giác ngon miệng là một triệu chứng. Có người cảm thấy mất cảm giác ngon miệng nên chán ăn, bỏ bữa và hệ quả là những triệu chứng của bệnh đau dạ dày lại xuất hiện. Nếu bạn đang rơi vào tình trạng này, có thể sau khi vượt qua khó khăn tâm lý bạn phải đi điều trị bệnh đau dạ dày. Ngược lại, một số người cảm thấy tăng cảm giác ngon miệng hơn so với trước. Với những người này thì, càng căng thẳng ăn càng ngon và càng nhiều. Nếu không kiểm soát vấn đề ăn uống bạn sẽ kiệt sức hoặc bạn có thể tăng cân một cách quá mức hay phải gặp áp lực giảm cân ngay sau đó. Vì thế, không bỏ bữa, ăn đúng giờ và đầy đủ dinh dưỡng là điều cần thiết trong những lúc khó khăn.
7.  Mỗi ngày một mục tiêu
Bạn hãy xây dựng cho mình những mục tiêu đơn giản trong hoạt động thường nhật và tiến hành thực hiện. Những mục tiêu đó không nên quá lớn và quá khó, đó chỉ là những điều đơn giản, bạn có đủ khả năng để làm nó. Từng bước đạt những mục tiêu nhỏ sẽ giúp bạn tự tin và cảm thấy mình có giá trị hơn. Bạn hãy tự thưởng cho mình một món quà nhỏ hay cho phép bạn làm điều gì đó mà mình thích khi đạt được mục tiêu.
8. Tránh đánh giá, phê bình, chỉ trích, phán xét bản thân
Đây là triệu chứng thường thấy ở một số người có khó khăn tâm lý. Thay vào đó là kỹ thuật bày tỏ cảm xúc, viết nhật ký, tư duy tích cực và sử dụng những “self talks” (những điều mà bạn nói với chính mình) tích cực. Chúng ta sẽ bàn về self-talk” trong chủ đề tiếp theo.
9. Dành thời gian cho những mối quan hệ thân tình và những hoạt động mang lại cảm giác hài lòng
Trong những mối quan hệ và những hoạt động này, bạn sẽ cảm thấy được chấp nhận, được chia sẻ, được đồng cảm và tự tin hơn.
10. Tập thể dục vừa phải và hợp lý
Thể dục nhịp điệu, đi bộ, bơi lội, cầu lông, tenis… có lẽ là một số món mà bạn có thể lựa chọn để giảm sự căng thẳng. Khi vận động, cơ thể bạn sẽ tiết ra endorphin sẽ làm cho tinh thần phấn chấn hơn.
11. Có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình
Cuộc sống là những sự lựa chọn. Hiểu bản thân, hành vi, niềm tin và những động cơ của mình và đặc biệt là phải biết yêu thương và chăm sóc bản thân mình là điều cần thiết. Bởi vì, chính bạn còn không chấp nhận được bản thân mình, không yêu thương mình thì liệu ai có thể chấp nhận và yêu thương bạn. Vì thế, yêu thương và chăm sóc bản thân là điều cần thiết với mỗi chúng ta, là mục tiêu quan trọng trong tiến trình điều trị tâm lý.


Hãy học cách tự chăm sóc bản thân mình khi còn khỏe mạnh để hình thành thói quen này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét