NĂM TIÊU CHÍ THAM VẤN/TRỊ LIỆU THÀNH CÔNG CỦA CARL ROGERS

Ngô Minh Duy
Carl Rogers
Carl Rogers (1902-1987) là một trong những nhà tâm lý trị liệu nổi tiếng của Hoa Kỳ với cách tiếp cận theo hướng Nhân văn hiện sinh. Trường phái trị liệu nhân văn-hiện sinh nhấn mạnh đến các giá trị nhân văn và nhấn mạnh đến  sự trải nghiệm có ý thức của thân chủ.Với hơn 60 trong nghề, Carl Rogers đã đề xuất 5 tiêu chí tham vấn/trị liệu thành công, đó là:
1 1. Nhận thức về nhu cầu của thân chủ
Ngoài yếu tố thiết lập một mối quan hệ tốt giữa nhà trị liệu và thân chủ thì yếu tố nhận thức về nhu cầu của thân chủ đóng vai trò quan trọng trong những buổi tiếp xúc đầu tiên. Nhà trị liệu phải  biết vấn đề của thân chủ là gì? Họ muốn gì khi cần sự giúp đỡ của nhà trị liệu?
Thông qua việc nhận thức về nhu cầu của thân chủ, nhà trị liệu mới có thể có những quyết định cho cách tiếp cận và phương hướng trị liệu của mình. Ở tiêu chí này, nhà trị liệu có thể đặt câu  hỏi: “Điều gì khiến anh chị đã tìm đến với chúng tôi?” hoặc: “Điều gì khiến anh chị nghĩ rằng anh chị cần sự giúp đỡ của chúng tôi?””…
2.Sự ổn định của tham vấn viên
Sự ổn định của tham vấn viên/nhà trị liệu cũng là một yếu tố  quan trọng trong qúa trình trị liệu. Sự ổn định ở đây có thể hiểu là sự vững vàng của nhà trị liệu. Đó là sự vững vàng về kiến thức, kinh nghiệm và cả về sự vững vàng trước những cảm xúc của thân chủ.
Trong những lần tiếp xúc thực tế cho thấy, nhiều cảm xúc của thân chủ đã làm  cho nhà trị liệu không làm chủ được mình đó là cơ chế chuyển dịch (Transference) hay chuyển dịch ngược (Countertransference) trong quá trình trị liệu. Chuyển dịch và chuyển dịch ngược cũng có hai mặt, có thể là nó có lợi và cũng có thể là nó có hại cho thân chủ. Trường hợp chuyển dịch và chuyển dịch ngược có lợi khi những cảm xúc của thân chủ và nhà trị liêụ là những tình cảm yêu thương và kính phục. Ngược lại, nó sẽ có hại khi  thân chủ hay nhà trị liệu có những tình cảm như thù địch hoặc đố kỵ với nhau, không thích nhau. Chính vì vậy, nhà trị liệu cần thiết phải là một người vững vàng để điều chỉnh những chuyển dịch này.
3.Thể hiện sự thấu cảm phù hợp
Có thể nói, thấu cảm (empathy) là một trong những kĩ năng quan trọng của nhà trị liệu. Nó là tiếng nói không lời của nhà trị liệu gửi đến thân chủ thông tin “tôi đang lắng nghe anh/chị đây”, “tôi hiểu anh/chị”,  “tôi biết anh/chị đã khổ như thế nào khi phải đối mặt với những vấn đề này”.
Thấu cảm không chỉ là sự lắng nghe, thấu cảm còn là sự thấu hiểu và sự trải nghiệm của nhà trị liệu với những cảm xúc của thân chủ. Sự thấu cảm được thể hiện qua lời nói, qua hành vi, qua cử chỉ, nét mặt của nhà trị liệu với thân chủ. Sự thấu cảm phù hợp sẽ thúc đẩy tiến trình trị liệu.
4.Thể hiện sự chấp nhận không điều kiện/Không phán xét thân chủ, hỗ trợ:
Theo Carl Rogers thì đây cũng là một tiêu chí quan trọng trong quá trình làm trị liệu. Thông thường, chúng ta hay sa vào trường hợp đánh giá thân chủ theo ý kiến của quan của mình. Đây là một ví dụ điển hình mà tôi đã được biết qua thân chủ kể lại trước khi đến với chúng tôi. Chị Ng T. A đến một trung tâm tư vấn.
- TC (Thân chủ): chồng tôi có tình nhân bên ngoài, bỏ bê, không quan tâm gì đến tôi như trước đây. Kể từ ngày anh ta có tình nhân, xung đột giữa hai vợ chồng tôi luôn xãy ra. Tôi đang phân vân là không biết có nên ly hôn hay không vì tôi biết rằng bản chất của chồng tôi là một người tốt. Xin chị hãy cho tôi một lời khuyên.
- TVV(Tham vấn viên): Chồng chị như thế mà chị còn cho là tốt à? Sao chị không ly hôn quách đi cho xong?
Qua những chi tiết trên cho ta thấy Tham vấn viên trên đã đánh giá và bình phẩm thân chủ của mình. Thân chủ tìm đến với chúng ta để tìm một lời khuyên, một hướng giải quyết để cứu vãn gia đình của chị ta đang có nguy cơ sụp đỗ. Tham vấn viên này đã không giúp họ mà còn làm cho tình hình thêm tệ hơn. Có thể nói đây là một vấn đề đáng để mỗi chúng ta suy ngẫm!
5. Hiểu được tiến trình nhập tâm của thân chủ và sự chấp nhận của nhà trị liệu
Có thể nói, hầu hết các rối nhiễu về tâm lý đều có một sợi dây liên hệ với tuổi thơ của thân chủ và môi trường của thân chủ sống trong giai đoạn đó và hiện tại. Chính những quá trình nhập tâm đã làm cho thân chủ biến những cái tiêu cực không phải của mình thành những cái của mình. Một thân chủ luôn cảm thấy mình ngu dốt thiếu tự tin và thiếu quyết đoán trong công việc tìm đến nhà trị liệu. Nhà trị liệu đi ngược lại tuổi thơ của anh ta và thấy rằng trong quá khứ thân chủ là một người không được chấp nhận, bố anh ta luôn đánh anh mỗi lần anh làm sai và luôn miệng chửi rằng: “Mày ngu như bò”.
Sống trong một môi trường như vậy nên dần dần anh ta không dám đưa ra quyết định vì sợ sai, và  chính câu nói của ông bố đã làm cho một đứa trẻ nghĩ mình tồi tệ và kết quả là nó tội tệ thật. Chính vì vậy, nhà trị liệu phải biết được bản chất của rối nhiễu, phải tìm hiểu thân chủ đã thực hiện quá trình nhập tâm như thế nào. Khi đó nhà trị liệu mới có thể gỡ rối cho thân chủ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.     Systerms of Psychotherapy A Transtheoretical Analysis, FouthEdition, James O.Prochaska and John C.Norcross.
2.     Therapists Guide to Clinical Intervention. Sharon L. Johnson.
3.     Tiến trình thành nhân.TS Tô Thị Ánh & Vũ Trọng Ứng dịch. NXB TP.HCM.
4.     Tâm lý trị liệu.Nguyễn Công Khanh, NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét