Thạc sĩ tâm lý Ngô Minh Duy (dịch và tổng hợp)
A. Tiểu sử của Sigmund Freud
Sigmund Freud (1856-1939) sinh ngày 6/5/1856 tại Freiberg thuộc Đức, nay là Pribor thuộc Cộng hoà Séc. Cuộc đời Freud cũng mâu thuẫn như thuyết của ông.
Bố ông là Jacop, một người buôn len có mười người con, một người Do Thái buôn vải nhưng không có nhiều vốn, một người khắc nghiệt và gia trưởng. Thuở nhỏ đối với cha, Freud có thái độ sợ hãi pha lẫn yêu mến.
Trái ngược với cha, mẹ Freud là người phụ nữ dịu dàng chu đáo, vì vậy ông luôn cảm thấy có sự gắn bó mật thiết với mẹ.
Khi công việc làm ăn của Jacob thất bại, cả gia đình chuyển về Lipzig và đến năm 1860, khi gia đình rời về Viên, kinh tế gia đình mới khấm khá lên, năm ấy Freud mới 4 tuổi.
Trái ngược với cha, mẹ Freud là người phụ nữ dịu dàng chu đáo, vì vậy ông luôn cảm thấy có sự gắn bó mật thiết với mẹ.
Khi công việc làm ăn của Jacob thất bại, cả gia đình chuyển về Lipzig và đến năm 1860, khi gia đình rời về Viên, kinh tế gia đình mới khấm khá lên, năm ấy Freud mới 4 tuổi.
Sigmund Freud học giỏi ngay từ nhỏ và tỏ ra rất thông minh. Từ lúc 8 tuổi, Freud đã đọc được các tác phẩm của Shakespeare, ông vô cùng ngưỡng mộ tài diễn xuất và sự hiểu biết của tác giả này về bản tính con người. Freud cũng có năng khiếu về ngôn ngữ, từ nhỏ ông đã tự học tiếng La Tinh, Hy Lạp, Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Anh và về sau ông còn được nhìn nhận là một bậc thầy về văn xuôi của Đức. Freud bắt đầu học trung học năm 9 tuổi (sớm 1 năm so với trẻ bình thường) và luôn luôn đứng đầu lớp.
Năm 1873, Freud đỗ vào ngành y học trường đại học tổng hợp Viên. Năm 1881 Freud nhận được học vị tiến sĩ y học và thực hành với tư cách nhà thần kinh lâm sàng. Mùa xuân năm 1884, Freud thí nghiệm với chất Cocain sau khi biết chất này đã sử dụng thành công trong quân đội để tăng sức mạnh và sức bền của quân lính. Freud đã nhận thấy Cocain có tác dụng làm giảm thiểu trầm cảm và có thể chữa được những chứng khó tiêu của ông, giúp ông làm việc hăng hái và có vẻ không có phản ứng phụ tai hại. Ông dùng nó thường xuyên và đưa cho những người khác cùng dùng. Từ đây, Freud bắt đầu quảng cáo tác dụng của Cocain nhưng ngoại trừ tác dụng gây mê của Cocain, Freud nhận được sự phản đối kịch liệt từ phía xã hội.
Từ 1882-1885 Freud làm việc tại Viện đa khoa Viên, đi sâu nghiên cứu về não và bệnh lý học thần kinh. Tại đây ông làm quen với Breuer vừa là người thầy vừa là người bạn tri kỉ.
Tháng 10/1885 Freud qua Pari, tại đây ông được làm việc với Charcot (nhà thần kinh học nổi tiếng), Freud đã tích cực sử dụng phương pháp thôi miên nhưng sau đó ông đưa ra môt kĩ thuật trị liệu mới: liên tưởng tự do. Thời gian này, Freud cùng với Breuer xuất bản cuốn “Nghiên cứu về Hysteri”. Đây được coi là khởi đầu chính thức của Phân tâm học.
Năm 1896, Freud đọc báo cáo tại Hội tâm thần và thần kinh học Viên về hiệu quả tiến hành các buổi chữa bệnh rối nhiễu tâm lý bằng liên tưởng tự do.
Năm 1900 cho ra đời cuốn “Đoán giải những giấc mơ” một tác phẩm chính và đánh dấu sự thành công của ông.
Năm 1900 cho ra đời cuốn “Đoán giải những giấc mơ” một tác phẩm chính và đánh dấu sự thành công của ông.
Từ 1900-1910 vị thế chuyên môn của Freud được cũng cố một cách nhanh chóng. 1905 xuất bản cuốn “Ba tiểu luận về học thuyết tính dục”. Những năm sau đó Freud đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm: Dẫn luận phân tâm học (1910), Totem và cấm kỵ (1913), Nguyên tắc siêu việt và khoái lạc (1920), Tự ngã và bản ngã (1923)…
Năm 1902, Freud cùng Alfred Adler thành lập Hội các nhà Phân tâm học đến năm 1908, Chi hội phân tâm học quốc tế ra đời ở Viên, 1910 thành lập Hội Phân tâm quốc tế, 1918 thành lập Nhà xuất bản Phân tâm học và năm 1924 công bố những tập đầu của Toàn Tập Freud.
Năm 1923 Freud bị ung thư vòm họng, hơn 16 năm bị dày vò bệnh tật, ngày 23/9/1939 ông mất tại London.
Suốt cuộc đời Freud đã làm việc với nghị lực, sức lực, ý chí, lòng dũng cảm phi thường và thái độ cầu thị khoa học hiếm có. Mặc dù bị chỉ trích từ nhiều phía nhưng cái đó không ngăn cản được ông, không làm ông chùn bước trên con đường đã chọn và ông đã đạt đến bến bờ vinh quang.
B. Những khái niệm cơ bản:
Có thể nói Sigmund Freud là cha đẻ của học thuyết Phân tâm học cổ điển và là người đầu tiên thực hành về Phân tâm. Học thuyết của ông được xây dựng thông qua quá trình làm việc với những bệnh nhân thần kinh. S.Freud cho rằng, hành vi của một người cần được xem xét ở cả hai bình diện: những yếu tố tâm lý bên trong và mối quan hệ liên nhân cách và ông gọi đó là quá trình phân tích tâm lý. Theo quan điểm của S.Freud, con người không kiểm soát được số phận của mình, không những thế, những hành vi của con người được điều khiển bởi những nhu cầu mang tính sinh học và bản năng. Theo S.Freud, hành vi không mang tính ngẫu nhiên mà chịu sự ảnh hưởng của những trải nghiệm trong quá khứ.
1. Các cấp độ ý thức
S.Freud cho rằng, có ba cấp độ ý thức tác động đến sự phát triển nhân cách đó là: ý thức, tiền ý thức và vô thức. Theo S. Freud, tại một thời điểm bất kỳ chúng ta chỉ có thể ý thức được một phần của vấn đề. Những ý nghĩ, ý tưởng hay cảm xúc có thể chỉ tồn tại ở cấp độ ý thức trong một khoảng thời gian nhất định trong khi tại thời điểm đó những điều chúng ta không ý thức được cũng tác động đến chúng ta. Cũng giống như chúng ta đang tập trung vào nhiệm vụ của mình trong khí đó nhiều vấn đề khác đang xuất hiện xung quanh chúng ta.
Cấp độ thứ hai được S.Freud đề cập đến đó là cấp độ Tiền ý thức. Những ý nghĩ hay ý tưởng của chúng ta không phải hoàn toàn tồn tại ở cấp độ ý thức mà chúng được chuyển lên cấp độ ý thức. Khi chúng ta có nhu cầu nhớ lại những thông tin, những sự kiện trong quá khứ, chúng ta có thể mang những thông tin, những sự kiện ấy từ cấp độ tiền ý thức lên cấp độ ý thức.
Cấp độ thứ ba của ý thức đó là vô thức. S.Freud cho rằng, đây là phần quan trọng nhất của tâm trí bởi vì nó ảnh hưởng nhiều nhất đến hành vi của con người. Chúng ta không thể nhận thức được những hành vi xuất hiện ở cấp độ vô thức và cũng không thể mang chúng từ cấp độ vô thức về cấp độ ý thức. Trên thực tế, chúng ta không biết chúng ta đang chống lại điều đó. Ví dụ kinh điển của Phân tâm về vấn đề này là người đàn ông ghét mẹ của mình nhưng ông ta chưa ý thức ra được rằng ông ta có cảm xúc đó. Theo học thuyết Phân tâm học cổ điển điều quan trọng nhất của những cảm xúc ở cấp độ vô thức là chúng luôn luôn đấu tranh để trồi lên cấp độ ý thức và chúng ta phải sử dụng năng lượng để giữ chúng ở cấp độ vô thức. Vì vậy, S.Freud luôn chú ý đến con người ở trạng thái xung đột nội tâm với vấn đề mà họ chưa ý thức được.
2. Cấu trúc nhân cách
Một trong những công việc cuối đời của S.Freud là ông đã giữ lại khái niệm về ý thức, tiền ý thức và vô thức và kèm theo ba cấp độ ý thức này là ba tiểu hệ thống: Cái Ấy, Cái Tôi và Cái Siêu Tôi. Ba yếu tố này tác động qua lại với nhau nhưng chúng ta rất khó đo lường được những tác động của từng yếu tố lên hành vi. Một trong ba tiểu hệ thống đôi khi chúng hoạt động một cách độc lập so với hai tiểu hệ thống còn lại. Hành vi của một người cần phải được xem xét như là kết quả của quá trình tương tác giữa Cái Ấy, Cái Tôi và Cái Siêu Tôi.
2.1. Cái Ấy
S.Freud xem xét Cái Ấy là hệ thống độc đáo của nhân cách. Theo quan điểm của Phân tâm học cổ điển, một em bé sinh ra chỉ có Cái Ấy. Cái Ấy bao gồm những gì thuộc về cơ thể của một đứa trẻ mà khi sinh ra đứa trẻ nào cũng có. Cơ thể đó là nguồn cung cấp năng lượng tính dục, S.Freud gọi nó là libido.
Trong phạm vi của Cái Ấy, S.Freud cho rằng đó là bản năng và hai yếu tố quan trọng nhất đó là tình dục và sự gây hấn. Chức năng cơ bản của Cái Ấy là duy trì cơ thể ở trạng thái thoải mái, giảm bớt sự căng thẳng. Vì thế, khi đứa trẻ đói thì chúng đòi hỏi được cho bú. Cái Ấy tìm kiếm sự thoã mãn ngay lập tức cho cảm giác đói để đưa cơ thể về trạng thái thoải mái.
Theo S.Freud, Cái Ấy hoạt động theo “nguyên lý khoái lạc” và chi phối đến cuộc sống khi trưởng thành. Cái Ấy hầu như tồn tại ở cấp độ Vô thức và ảnh hưởng rất rõ đến hành vi và không ai nhận thức được sự ảnh hưởng của nó. Ví dụ người đàn ông ghét mẹ ông ta, chúng ta có thể thấy Cái Ấy hoạt động chăng? Cảm xúc của người đàn ông với mẹ của mình có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ với những người phụ nữ khác mặc dầu ông ấy không ý thức được những ảnh hưởng đó. Về cơ bản, xung lực của Cái Ấy chỉ có thể ý thức được khi Cái Tôi ở trạng thái yếu.
2.2. Cái Tôi
Không giống như Cái Ấy, Cái Tôi không có mặt tại thời điểm đứa trẻ sinh ra. Cái Tôi được phát triển thông qua sự tương tác với môi trường. Chức năng của Cái Tôi là phát triển cơ và điều khiển các giác quan của cơ thể, khám phá và hiểu thế giới bên ngoài. Trong giai đoạn đầu của sự phát triển, đứa trẻ không thể phân biệt được các đối tượng, vì thế khi chúng đói chúng có thể cho bất cứ thứ gì vào miệng. Ở giai đoạn phát triển này, đứa trẻ không có cái nhìn thực tế về thế giới và trẻ phải học để phân biệt hình ảnh ở trong đầu và đối tượng thực tế. Trong tiến trình này, trẻ sớm học được dạng hình ảnh xuất hiện trong tâm trí không an toàn với nhu cầu của chúng. Kết quả là trẻ bắt buộc phải phân biệt bản thân chúng và thế giới bên ngoài, học cách tìm kiếm điều gì phù hợp với hình ảnh bên trong của chúng. Tiến trình này sẽ tách Cái Tôi từ Cái Ấy dẫn đến sự đồng nhất hoá, một trong những khái niệm quan trọng của học thuyết Phân tâm học cổ điển.
Vì thế, chức năng chính của Cái Ấy là thoả mãn những đòi hỏi của cơ thể không cần quan tâm đến thực tế bên ngoài. Cái Tôi ngăn chặn những đòi hỏi của Cái Ấy khi những nhu cầu của cơ thể đối lập với những gì trong thực tế. Mục đích của Cái Tôi là điều hoà giữa “nguyên lý khoái lạc” của Cái Ấy và thế giới bên ngoài. Cái Tôi vận hành theo “nguyên lý thực tế” và cố gắng kiềm chế những đòi hỏi ngay lập tức của Cái Ấy cho đến khi có đối tượng phù hợp với nhu cầu. Trong ví dụ đứa trẻ đói, sự phát triển của Cái Tôi sẽ cảnh báo cho hành vi. Khi trẻ nhận diện được đối tượng ở thế giới bên ngoài có thể thoản mãn cơn đói của mình, trẻ sẽ không còn tình trạng đưa bất cứ vật gì vào miệng nữa. Vì thế, chức năng của Cái Tôi là thực hiện quyền hành pháp đối với nhân cách của mỗi cá nhân.
2.3. Cái Siêu Tôi
Tiến trình đồng nhất hoá đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của Cái Siêu Tôi. Đối tượng đầu tiên của thế giới bên ngoài làm hài lòng những nhu cầu của trẻ là cha mẹ chúng. Giai đoạn đầu của sự phát triển, trẻ học được điều quan trọng khác đó là sự ghét bỏ của cha mẹ với những xung lực thể hiện trực tiếp của chúng. Cha mẹ đưa chúng vào kỷ luật thông qua quá trình thưởng và phạt với nhiều cấp độ khác nhau. Trẻ còn học được hành vi nào của chúng được chấp nhận và hành vi nào không được chấp nhận. Ở giai đoạn đầu của sự phát triển của trẻ, khi tiến trình này tiếp tục, Cái Siêu Tôi không những tiếp nhận những giá trị và những thói quen của cha mẹ mà còn hợp nhất những giá trị được chấp nhận, những yếu tố mang tính truyền thống và những thói quen của xã hội.
Cái Siêu Tôi là một dạng của sự kiểm soát bên trong của cá nhân. Khi hành vi của trẻ không phù hợp, thậm chí là khi không một ai ở đó xem xét thì Cái Siêu Tôi xuất hiện. Theo quan điểm của S.Freud, Cái Siêu Tôi được cấu tạo bởi hai tiểu hệ thống đó là: lương tâm và Cái Tôi lý tưởng. Chúng ta có thể hình dung lương tâm là những điều mà chúng ta không nên làm. Cái Tôi lý tưởng có thể được hình dung như những điều mà chúng ta sẽ là. Hai hệ thống này cũng thường dẫn đến sự xung đột với những xung lực của Cái Ấy.
Cái Siêu Tôi được xây dựng theo cơ chế kiểm soát. Chức năng của Cái Siêu Tôi là kiểm soát những xung lực của Cái Ấy, những điều có thể dẫn đến việc không thể chấp nhận hành vi. Sự điều khiển này xuất hiện phần lớn ở cấp độ vô thức và chúng ta không nhận thức được. Cái Siêu Tôi là đại diện cho những điều lý tưởng của cá nhân, nó cố gắng đạt đến sự hoàn hảo.
Theo quan điểm của S.Freud, động lực cho sự phát triển của nhân cách là sự tương tác giữa Cái Ấy, Cái Tôi và Cái Siêu Tôi. Cái Ấy hoạt động theo “nguyên lý khoái lạc” tìm kiếm sự hài lòng cho những nhu cầu ngay lập tức, trong khi đó Cái Tôi và Cái Siêu Tôi hoạt động để nhận biết những nhu cầu của cá nhân và kiểm soát xung lực của Cái Ấy. Cái Tôi không những phải tương tác với thế giới thực tế bên ngoài mà còn phải điều hoàn mối quan hệ giữa Cái Ấy và Cái Siêu Tôi. Người có Cái Ấy trội sẽ có khuynh hướng bốc đồng. Người có Cái Siêu Tôi trội sẽ có khuynh hướng quá đạo đức. Chức năng của Cái Tôi là giữ cá nhân được cân bằng giữa hai sự đòi hỏi này. Thực tế các dạng tương tác theo ba tiểu hệ thống này là sản phẩm của sự phát triển của cá nhân thông qua các giai đoạn phát triển tâm lý tính dục. Bây giờ, chúng ta sẽ chuyển sang tiến trình phát triển thông qua các giai đoạn này.
3. Các giai đoạn phát triển tâm lý tính dục
S.Freud cho rằng, sự phát triển nhân cách của cá nhân về cơ bản được hình thành trong suốt 5 năm đầu đời. Khi cá nhân cố gắng học hỏi những cách mới để làm giảm những căng thẳng có nguồn gốc từ: Tiến trình phát triển về mặt cơ thể, những điều thất vọng, những xung đột và những mối đe doạ.
Theo quan điểm của S.Freud, sự phát triển nhân cách bao gồm cả việc hình thành những cơ chế phòng vệ và việc cá nhân sử dụng cơ chế phòng vệ như thế nào phần lớn phụ thuộc vào các giai đoạn phát triển tâm lý tính dục. Sự phát triển này hầu như diễn ra chủ yếu trong 5 năm đầu đời, kế đến là giai đoạn tương đối khá bình lặng kéo dài khoảng 6 năm. Trong suốt thời thanh niên, tiến trình này như được tái kích hoạt trở lại một lần nữa. Một luận điểm quan trọng khác của S.Freud là, tại bất kỳ một thời điểm nào của tiến trình phát triển tâm lý tính dục có một bộ phận trên cơ thể người trội hơn các bộ phận khác trong việc tạo ra khoái cảm. Một người phát triển bình thường sẽ lần lượt chuyển từ vùng tạo ra khoái cảm này sang vùng khác của cơ thể theo một thứ tự nhất định. Quá trình này ở tất cả mọi người đều giống nhau. Luận điểm quan trọng thứ ba của S. Freud là, nếu thất bại trong việc hoàn tất tiến trình và chuyển giai đoạn sẽ để lại hệ quả rất nghiêm trọng cho sự phát triển nhân cách.
3.1. Những giai đoạn tiền sinh dục
S.Freud đã đặt tên cho 3 giai đoạn đầu là giai đoạn tiền sinh dục. Giai đoạn tiền sinh dục bao gồm: giai đoạn môi miệng, giai đoạn hậu môn, giai đoạn dương vật.
3.1.1. Giai đoạn môi miệng:
S.Freud cho rằng, trẻ bú không chỉ đơn thuần là trẻ lấy nguồn thức ăn từ người mẹ mà hành động bú của trẻ còn tạo ra khoái cảm. Giai đoạn này kéo dài từ lúc trẻ sơ sinh đến 1 tuổi. Ở giai đoạn này, mối quan hệ giữa mẹ và trẻ đóng vai trò rất quan trọng. Khi trẻ đồng nhất với mẹ, trẻ chuyển từ việc yêu bản thân (ái kỷ) sang yêu những người khác. S.Freud cho rằng, ở giai đoạn môi miệng có 2 nguy cơ. Nếu mối quan hệ giữa mẹ và trẻ quá thoải mái, trẻ có xu hướng quá phụ thuộc và cắm chốt ở giai đoạn này, điều này để lại hệ quả là hình thành một nhân cách phụ thuộc quá mức ở giai đoạn trưởng thành. Nguy cơ thứ 2 là khi tương tác với mẹ, trẻ cảm nhận được sự không an toàn và lo âu thì cảm giác không an toàn này sẽ kéo dài đến khi trưởng thành.
3.1.2. Giai đoạn hậu môn
Từ năm thứ 2, bộ phận đem lại khoái cảm cho trẻ là vùng hậu môn. Giai đoạn này, việc huấn luyện trẻ đi vệ sinh đóng vai trò rất quan trọng. Trẻ được đối xử quá nghiêm khắc trong quá trình huấn luyện đi vệ sinh có thể hình thành loại nhân cách bị tắt nghẽn. Một người có nhân cách này rất tàn bạo, bướn bỉnh và lừa bịp có thể đã bị cắm chốt ở giai đoạn hậu môn. Trong suốt giai đoạn này, trẻ cố gắng đạt được việc kiểm soát bản thân và những người khác.
3.1.3. Giai đoạn dương vật
Từ 3-5 (hay 6) tuổi trẻ trải qua giai đoạn dương vật. Giai đoạn này thường có những hành vi thích nghi không tốt về sau. S.Freud cho rằng, trong suốt giai đoạn này, trẻ nhận được khoái cảm chủ yếu từ việc sờ mó cơ quan sinh dục của mình. Khoái cảm từ cơ quan sinh dục tăng và một số vấn đề tâm lý có thể xuất hiện như: lo hãi bị thiến, sự ghen tị dương vật và đặc biệt là phức cảm Oedipus/Electra.
Lo hãi bị thiến xuất hiện ở đứa bé trai khi chúng lo lắng chúng có thể bị mất dương vật. Việc cha mẹ cố gắng ngăn cản trẻ sờ mó dương vật có thể làm trẻ sợ mất dương vật. Vấn đề này sẽ rõ hơn khi trẻ có cơ hội nhìn thấy một bé gái không có dương vật. Trẻ nghĩ rằng, đứa bé gái bị thiến nên không có dương vật và trẻ có thể bị phạt với hình thức thiến như bé gái đó. Tương tự như thế, bé gái có sự ghen tị dương vật khi trẻ quan sát thấy mình bị mất dương vật. Bé gái cho rằng, dương vật của mình đã bị thiến vì mình đã có những hành động không đúng ở bộ phận đó. S.Freud cho rằng, những vấn đề nghiêm trọng của sự phát triển nhân cách về sau có thể có nguồn gốc từ những vấn đề này.
Vấn đề cuối cùng ở giai đoạn dương vật mà S.Freud đã đề cập là phức cảm Oedipus. Về cơ bản, phức cảm Oedipus có liên quan đến ước muốn gắn bó của đứa bé trai với mẹ và tách cha ra khỏi mối quan hệ đó. Trẻ xem cha là đối thủ của mình. Phức cảm Electra là ước muốn gắn bó của đứa bé gái với bố và tách mẹ ra khỏi mối quan hệ đó. Trẻ xem mẹ là đối thủ của mình. Ước muốn về mối quan hệ này không thể nào hoàn tất một cách trọn vẹn được. Giải quyết tốt phức cảm ở giai đoạn này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhân cách của trẻ ở những giai đoạn kế tiếp. Trẻ phải từ bỏ đối tượng là cha mẹ và chuyển động cơ về tình dục sang một đối tượng khác. Thông thường là đối tượng khác giới với trẻ. Trẻ phải hợp nhất với bố hoặc mẹ thông qua cơ chế đồng nhất hoá và thăng hoa. Nếu trẻ làm được việc này thì xem như trẻ đã có thể kiểm soát năng lượng tính dục của bản thân và vượt qua được phức cảm Oedipus/Electra.
3.2. Giai đoạn ẩn tàng
Theo S.Freud, giai đoạn này kéo dài từ 6-12 tuổi. Các xung lực tính dục ở trẻ tạm thời lắng xuống. Giai đoạn này trẻ tập trung vào hoạt động học tập, vui chơi, phát triển các kỹ năng. Đối tượng mà trẻ hướng đến là bạn bè và thầy cô giáo.
3.3. Giai đoạn sinh dục
Giai đoạn đầu trong 3 giai đoạn được trình bày ở trên có đặc trưng là tính ái kỷ. Giai đoạn sinh dục là giai đoạn mà trẻ có sự thay đổi lớn từ việc yêu bản thân chuyển thành yêu người khác. Bước vào giai đoạn dậy thì trẻ bước vào giai đoạn phát triển đỉnh cao của tính dục, trẻ có thể có hành vi tình dục với người khác giới. Giai đoạn này, một người bình thường sẽ không có khoái cảm từ môi miệng, hậu môn hay những hành động thủ dâm và không bị tác động bởi lo hãi bị thiến hay không vựơt qua phức cảm Oedipus/Electra. Khoái cảm từ hành vi tình dục với người khác giới là tốt nhất.
4. Cơ chế phòng vệ
Ở mỗi giai đoạn phát triển tâm lý tính dục, chúng ta có thể xuất hiện sự căng thẳng, lo âu do những thất vọng, những xung đột và những mối đe doạ. S.Freud cho rằng, chúng ta đối phó với những căng thẳng thông qua cơ chế đồng nhất hoá, chuyển dịch và những cơ chế phòng vệ khác.
Một trong những vai trò quan trọng nhất của Cái Tôi là ứng phó với các vấn đề có thể làm nảy sinh lo âu trong phạm vi cá nhân. Cái Tôi có thể tiếp cận vấn đề bằng cách giải quyết dựa trên thực tế hoặc nó có thể từ chối, làm sai lệch hoặc bóp méo thực tế. Nếu Cái Tôi tiếp cận vấn đề một cách thực tế, nhân cách của cá nhân được đánh giá cao. Nếu như Cái Tôi lựa chọn cách giải quyết là bóp méo thực tế thì sẽ làm trở ngại đến sự phát triển nhân cách. S.Freud đã xem 3 cơ chế đồng nhất hoá, chuyển dịch và thăng hoa là những cơ chế phòng vệ giải quyết vấn đề mang tính thực tế và cơ bản là khác với những cơ chế phòng vệ khác có khuynh hướng phủ nhận, làm sai lệch, bóp méo thực tế, chúng thường hoạt động ở cấp độ vô thức. Mặc dầu cơ chế phòng vệ có thể hoạt động hiệu quả tại một thời điểm nhưng càng ngày chúng ta càng sử dụng chúng một cách cứng nhắc, điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của cá nhân.
Ở giai đoạn đầu tiến trình phát triển, những mối đe doạ đến với bản thân dẫn đến tình trạng lo âu xuất phát từ các yếu tố bên ngoài. Ví dụ một người với thân hình to lớn hơn như cha mẹ có thể kiểm soát hoàn toàn đứa trẻ. Khi Cái Siêu Tôi phát triển, những mối đe doạ đến với bản thân trẻ còn có thể xuất hiện trong trường hợp một người e ngại những xung động của Cái Ấy sẽ nắm lấy quyền kiểm soát và dẫn đến lo âu. Cơ chế phòng vệ được hình thành để ứng phó với những mối đe doạ từ bên ngoài lẫn bên trong. Cơ chế phòng vệ xuất hiện ở cấp độ vô thức.
4.1. Đồng nhất hoá
Cơ chế đồng nhất hoá đã từng được đề cập trong phần trước như là một tiến trình nhờ sự phát triển của Cái Tôi và Cái Siêu Tôi. Tiến trình này được mở rộng ra sau đó trong cuộc sống của chủ thể bao gồm những chức năng giống như quá trình bắt chước một người khác, cố gắng đạt được một mục tiêu thực tế (để giảm căng thẳng), lĩnh hội những giá trị của người khác vào nhân cách của bản thân. Hầu hết tiến trình này xuất hiện ở cấp độ vô thức và theo hình thức thử đúng sai. Nếu như hành vi đã thực hiện làm giảm sự căng thẳng thì chủ thể sẽ giữ lại và duy trì hành vi đó. Nếu hành vi mới không giảm được căng thẳng thì chủ thể loại bỏ nó. Cha mẹ là người đầu tiên và thường là người ảnh hưởng quan trọng nhất đến quá trình đồng nhất hoá của trẻ. Nhân cách của người trưởng thành là kết quả của hàng loạt các quá trình đồng nhất hoá thông qua tiến trình phát triển.
4.2. Chuyển dịch
Một trong những đặc điểm độc đáo chỉ có ở con người đó là khả năng chuyển những năng lượng tâm lý từ đối tượng này sang đối tượng khác. Nếu như chúng ta thực hiện điều này để giảm sự căng thẳng sẽ giảm đi nguồn năng lượng tạo ra sự căng thẳng thay vào đó một đối tượng khác có thể sẽ tiếp nhận nguồn năng lượng này. Tiến trình chuyển nguồn năng lượng một lần nữa từ đối tượng này sang một đối tượng khác thì được gọi là chuyển dịch. Sự phát triển nhân cách phụ thuộc phần lớn vào tiến trình dịch chuyển năng lượng hay thay thế đối tượng bởi vì đối tượng mới không thích thoả mãn nhu cầu giảm sự căng thẳng như chủ thể gốc đã làm. Cá nhân nào cũng tìm kiếm phương pháp mới và tốt hơn để giảm sự căng thẳng. Chuyển dịch được xem là sự cố gắng tất yếu của con người và điều này có thể thực hiện được.
S.Freud cho rằng, loại chuyển dịch có ý nghĩa quan trọng nhất đối với sự phát triển của nền văn minh nhân loại là thăng hoa. Thăng hoa là tiến trình được thực hiện bởi cá nhân chuyển đổi cách thể hiện so với xung lực gốc để bộc lộ hành vi một cách thoải mái mà xã hội có thể chấp nhận được. Thăng hoa thường là cơ chế được sử dụng để chuyển những năng lượng của sự gây hấn và tính dục sang hoạt động trí tuệ, nhân đạo và văn hoá. Vì thế, một người trưởng thành có thể thăng hoa hay chuyển dịch năng lượng sang một đối tượng khác, điều này không những an toàn cho bản thân mà còn góp phần rất lớn cho sự phát triển của xã hội.
4.3. Dồn nén
Dồn nén là một trong những khái niệm được S.Freud đề cập đầu tiên. Dồn nén là hành động ứng phó một cách có ý thức với xung lực gây ra sự lo âu. Cá nhân cố gắng tránh xa với những xung lực bằng cách từ chối việc chấp nhận hiện thực. Một người sử dụng cơ chế phòng vệ sự dồn nén có thể sẽ không thấy tác động của chúng một cách rõ ràng nhưng thực tế thì dồn nén có những tác động đối với cơ thể. Một người lo ngại những xung lực có thể trở thành bất lực. Tuy nhiên, dồn nén cũng là điều cần thiết cho sự phát triển bình thường của nhân cách và nó có thể xuất hiện ở nhiều người. Một số người phụ thuộc vào cơ chế phòng vệ dồn nén một cách quá mức. Chúng ta có khuynh hướng rút lui khỏi môi trường tạo ra sự căng thẳng nhưng có thể nói điều này tạo ra sự căng thẳng và cứng nhắc cho nhân cách. Với những trường hợp cá nhân có Cái Siêu Tôi trội hơn Cái Tôi thì Cái Tôi có thể mất phần nào sự kiểm soát sức mạnh của Cái Siêu Tôi.
Để ứng phó với xung lực bị dồn nén, chúng ta phải tin rằng xung lực đó không còn tạo ra sự nguy hiểm nữa. Trẻ có thể dồn nén xung lực tính dục trong suốt thời thanh niên và chúng nhận ra rằng Cái Tôi của người trưởng thành có thể đối phó với những xung lực đó và việc dồn nén sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp chúng ta sẽ không bao giờ nhận ra rằng việc dồn nén là không còn cần thiết nữa.
4.4. Phóng chiếu
Lo âu có nguồn gốc từ môi trường bên ngoài thì dễ đối phó hơn so với lo âu do những xung lực của Cái Ấy. Vì vậy, nếu một người có thể quy gán lo âu cho một đối tượng xuất phát từ môi trường bên ngoài thì có thể cảm thấy có sự thuyên giảm. Cơ chế phòng vệ này được gọi là phóng chiếu. Phóng chiếu diễn ra theo trình tự đầu tiên chủ thể không nhận ra đặc điểm đó có ở chính mình và kế tiếp là chủ thể quy gán những đặc điểm tương tự như thế cho một người khác.Thay vì nói rằng “Tôi ghét chị tôi” chủ thể sử dụng cơ chế phóng chiếu sẽ nói rằng “Chị tôi ghét tôi”. Phóng chiếu là cơ chế phòng vệ rất ưa chuộng với những người cố gắng nâng cao lòng tự trọng. Cá nhân cố gắng tạo cho mình hình ảnh thật tốt đồng thời đánh giá thấp người khác.
4.5. Phản ứng ngược
Khi một người bị xung lực làm nảy sinh lo âu, Cái Tôi có thể cố gắng ứng phó với xung lực đó bằng cách tập trung chống lại một cách trực tiếp. Nếu như chúng ta cảm thấy ghét một người náo đó, Cái Tôi có thể cố gắng ứng phó với xung lực ghét đó bằng cách thể hiện ngược lại qua những biểu hiện yêu thương với người đó. Cơ chế phòng vệ này được gọi là phản ứng ngược.
4.6. Cắm chốt
Theo quan điểm của S.Freud, sự phát triển nhân cách bình thường thì các giai đoạn phát triển tâm lý tính dục phải diễn ra xuyên suốt và thuận lợi. Vấn đề chuyển từ giai đoạn này sang một giai đoạn khác có liên quan rất nhiều đến những thất vọng và lo âu. Nếu lo âu quá lớn thì sự phát triển về mặt tâm lý tạm thời bị gián đoạn bởi vì chủ thể lo sợ việc phải chuyển sang một giai đoạn kế tiếp. Quá trình này được gọi là cắm chốt. Với trường hợp cá nhân không muốn ngưng hành vi tạo được cảm giác an toàn thì việc chấp nhận hành vi mới cũng có thể sẽ không tạo được cảm giác an toàn.
4.7. Thoái lùi
Cơ chế phòng vệ khá giống với cắm chốt là cơ chế phòng vệ thoái lùi. Một người có thể lùi về giai đoạn phát triển trước đó thay vì chuyển sang giai khác. Trường hợp này thường xuất hiện khi chủ thể đương đầu với quá nhiều mối đe doạ. Trẻ có thể quay trở lại với hành vi thời ẵm bồng khi trẻ gặp tình huống tạo trẻ cảm thấy chúng có nguy cơ mất tình thương. Một người trưởng thành có thể tránh việc quan hệ tình dục với người khác bởi vì họ cảm thấy không thoả đáng và vì việc rút lui khỏi những hoạt động tránh tình huống gây ra sự lo lắng. Về cơ bản có thể cho rằng, cá nhân thoái lùi về giai đoạn phát triển trước đó là một dạng của cơ chế cắm chốt.
Khi nào cắm chốt hay thoái lùi thì tuỳ thuộc vào mức độ. Cắm chốt có liên quan đến một giai đoạn phát triển hiếm khi được hoàn tất. Tương tự như thế, thoái lùi về một giai đoạn phát triển trước đó cũng hiếm khi mang tính tuyệt đối.
Tóm lại, S.Freud cho rằng, nhân cách của một người phát triển là kết quả của hai yếu tố chính: thời điểm chín muồi để thay đổi diễn ra một cách tự nhiên và quá trình học hỏi để vượt qua những sự căng thẳng và lo âu từ những xung đột, sự thất vọng và những mối đe doạ bằng cách sử dụng cơ chế đồng nhất hoá, chuyển dịch và các cơ chế phòng vệ khác. Tất cả các quá trình này làm biến đổi xung lực gốc để có thể diễn ra một cách thuận lợi và xã hội có thể chấp nhận được. Quá trình phát triển nhân cách diễn ra theo thói quen cũ và có liên quan đến những vùng trên cơ thể mang lại khoái cảm. Theo các nhà Phân tâm nhân cách là một mô hình động trong đó diễn ra sự tương tác giữa Cái Ấy, Cái Tôi và Cái Siêu Tôi. Quá trình tương tác này dẫn đến sự phát triển nhân cách. Một người có nhân cách lành mạnh là người có thể giữ được trạng thái cân bằng giữa Cái Ấy, Cái Tôi và Cái Siêu Tôi.
5. Sự phát triển nhân cách bất bình thường
Theo các nhà Phân tâm học cổ điển, nguyên nhân của vấn đề nhân cách phát triển bất bình thường nằm ở cấp độ cá nhân. Rối loạn về hành vi có nguyên nhân từ việc xáo trộn cấu trúc động bên trong. Hai khả năng có thể làm sự mất cân bằng này là: sự tác động qua lại giữa Cái Ấy, Cái Tôi và Cái Siêu Tôi, những trải nghiệm không tốt từ thời thơ ấu của trẻ. Với trường hợp thứ nhất, Cái Tôi không đã thất bại trong việc thực hiện quyền hành pháp với Cái Ấy và Cái Siêu Tôi. Thay vì thống nhất Cái Ấy và Cái Siêu Tôi, Cái Tôi cho phép cá nhân sử dụng chế phòng vệ một cách quá mức. Việc cá nhân lạm dụng cơ chế phòng vệ này có nguồn gốc từ sự dồn nén ở thời thơ ấu. Trẻ sử dụng cơ chế dồn nén để đối phó với những xung lực tạo ra lo âu, đẩy chúng vào tầng vô thức. Ở cấp độ vô thức chúng vẫn tiếp tục tồn tại và chỉ xuất hiện ở những giai đoạn phát triển sau và làm cho vấn đề ngày càng khó khăn hơn. Nếu Cái Tôi có thể đối phó được với những xung lực ở giai đoạn đầu của sự phát triển thì sự phát triển nhân cách diễn ra một cách thuận lợi.
Nguyên nhân thứ hai đó là sự thích nghi về hành vi diễn ra không tốt ở giai đoạn đầu của sự phát triển. S.Freud cho rằng, hành vi của trẻ nhằm giảm năng lượng tâm lý hoặc nhằm kiểm soát các xung năng có thực hiện được hay không và xã hội có chấp nhận hay không hay là trẻ bị phạt. Vì thế, hầu như những hành vi trẻ học được là kết quả của những tình huống né tránh. Động cơ bên trong có sự gắn kết với hành vi nhưng ở bên ngoài thì bị ngăn cấm. Những xung đột này có thể dẫn đến chứng lo âu, hành vi ám ảnh cưỡng chế và tâm thần phân liệt.
Theo quan điểm của S.Freud, chứng rối loạn thần kinh chức năng được xác định là có căn nguyên từ những trải nghiệm đầu đời. Cơ chế phòng vệ mà cá nhân đã sử dụng để đối phó với những căng thẳng và các giai đoạn phát triển tâm lý tính dục mà cá nhân đó đã cắm chốt hay thoái lùi. Sau khi cố gắng ứng phó với những tình huống và thất bại cá nhân phải sử dụng đến cơ chế thoái lùi để thoả mãn nhu cầu của mình. Quá trình thoái lùi này sẽ đưa cá nhân quay trở lại giai đoạn trước đó đồng thời những căng thẳng và lo âu được dồn nén. Hành vi loạn thần kinh chức năng sẽ được phát triển để cố gắng chống lại căng thẳng này. Quá trình này cần nhiều năng lượng để đối phó với lo âu. Vì thế, cá nhân mất dần năng lượng trong việc ứng phó với thế giới thực tế. Một chu kỳ nguy hiểm được hình thành.
C. Tham vấn tâm lý theo cách tiếp cận Phân tâm cổ điển
1. Mục tiêu tham vấn
Mục tiêu chính của phương pháp tham vấn theo Phân tâm cổ điển là mang những xung động được dồn nén ở cấp độ vô thức là tác nhân gây ra lo âu về cấp độ ý thức. Đó là những xung lực của Cái Ấy mà Cái Tôi đã thất bại trong việc kiểm soát nó. Theo liệu pháp này thì thân chủ có cơ hội tiếp cận để đối phó với tình huống mà họ đã thất bại. Tham vấn viên thiết lập một môi trường thuận lợi và an toàn để thân chủ có thể bộc lộ những cảm xúc, những suy nghĩ mà không bị bình phẩm, chỉ trích, đánh giá. Trong môi trường an toàn và tự do như thế cho phép thân chủ khám phá về những điều hợp lý và những điều bất hợp lý trong hành vi hiện tại từ đó xem xét hành vi mới.
2. Tiến trình thực hiện và những kỹ thuật trong liệu pháp
Tham vấn tâm lý theo Phân tâm là một tiến trình dài. Thân chủ thường sẽ làm việc với tham vấn viên ít nhất là 3 lần/tuần, thời gian tham vấn có thể kéo dài hàng tháng thậm chí là hàng năm. Những kỹ thuật của Phân tâm hầu hết thường được sử dụng ở văn phòng riêng của tham vấn viên và ở bệnh viện. Bao gồm những kỹ thuật chính sau: Liên tưởng tự do (Free association), Phân tích giấc mơ (Dream analysis), Phân tích chuyển dịch (Analysis of Transferance), Phân tích sự chống đối (Analysis of Resistance) và Diễn giải (Interpretation).
2.1. Liên tưởng tự do (Free association):
Những gì bị dồn nén vào cấp độ vô thức luôn luôn tìm kiếm cách để trỗi dậy. Chúng được thể hiện dưới dạng tính dục, những câu nói bông đùa hay hành vi sai lạc. Thân chủ ngồi hoặc nằm trong tư thế thoải mái, toàn thân thư giãn để ý nghĩ của mình xuất hiện tự do và họ kể lại những suy nghĩ vừa diễn ra, kể lại những mong muốn và những cảm giác về thể chất hoặc là hình ảnh tâm lý khi điều đó hiện về. Thân chủ được khuyến khích thư giãn và tự do nhớ lại những cảm xúc hay những trải nghiệm trong quá khứ.
Thân chủ được khuyến khích bộc lộ mọi ý nghĩ hoặc cảm giác, không e ngại động chạm đến những chuyện riêng tư dù đó là những chuyện đau khổ hay không có liên quan. Những ý nghĩ của thân chủ có thể lộn xộn nhưng những liên tưởng tự do này là toàn bộ đầu mối quan trọng cho công việc của tham vấn viên. Nói một cách cụ thể trong trường hợp này là Cái Ấy phải được bộc lộ, Cái Tôi tạm thời im lặng.
Thân chủ có thể sẽ chống đối bằng cách khoá chặt những suy nghĩ của họ hoặc phủ nhận những nội dung quan trọng, đôi khi họ làm cả hai điều trên. Thông thường sự chống đối thường có liên quan mật thiết đến những vấn đề chưa được giải quyết trong các mối quan hệ trước đó. Tham vấn viên có thể nhắc lại cho thân chủ biết việc tập trung vào những những ý nghĩ, những cảm xúc mà thân chủ cho là quan trọng là rất cần thiết. Nhiều lần như thế sẽ giúp thân chủ vượt qua được sự chống đối.
Công việc của tham vấn viên là kiên trì lắng nghe tất cả những gì thân chủ bộc lộ rồi lần theo những liên tưởng này tìm đến cội nguồn của chúng. Tham vấn viên phải nhạy cảm để có thể nhận ra những uẩn khúc tâm lý đang được che dấu dưới các cảm xúc, lời nói hay cử chỉ của thân chủ.
Thân chủ được khuyến khích bộc lộ những cảm giác mạnh (thông thường hướng tới những người có quyền lực) bị dồn nén vì sợ bị phạt hoặc sợ bị trả thù. Bất cứ một bộc lộ nào của thân chủ đều được xem là một sự xả trừ hay giải toả. Điều này khích lệ thân chủ dám đương đầu và trò chuyện cởi mở về những cảm xúc bị dồn nén mạnh để thiết lập lại cảm xúc lành mạnh và nhờ đó mà vấn đề của thân chủ được giải quyết.
Liên tưởng tự do là một kỹ thuật thường được sử dụng trong Phân tâm cổ điển. Nghe có vẻ đơn giản nhưng để thân chủ làm được việc này thì không đơn giản một chút nào.
1.2. Phân tích sự chống đối (Analysis of Resistance)
Trong quá trình liên tưởng tự do, thỉnh thoảng thân chủ sẽ bộc lộ sự chống đối. Có thể là thân chủ không thể hoặc không sẵn sàng để thảo luận một ý nghĩ, mong muốn hoặc trải nghiệm nào đó. Sự chống đối ngăn cản không cho những xung đột bị dồn nén trong vô thức quay trở lại ý thức. Điều này thường liên quan đến cảm giác khoái cảm về tình dục của cá nhân hoặc liên quan đến cảm giác thù địch phẫn uất với bố mẹ. Thân chủ có thể biểu thị sự chống đối bằng nhiều cách. Thân chủ có thể đến trễ hoặc quên buổi tham vấn, phàn nàn rằng điều này không quan trọng, vô lý, không thích hợp không thoải mái để bàn luận.
Tham vấn viên cần nhạy cảm với những vấn đề chống đối. Khi thân chủ biểu lộ sự chống đối thì tham vấn viên cần tập trung chú ý đặc biệt vào những vấn đề đã kích thích sự chống đối. Vì thế, tham vấn viên phải coi những chủ đề mà thân chủ không muốn thảo luận có tầm quan trọng đặc biệt. Khuyến khích thân chủ và thiết lập mối quan hệ thật sự tin tưởng với thân chủ là những việc mà tham vấn viên có thể làm để phá vỡ sự chống đối.
1.3. Phân tích giấc mơ (Dream analysis):
Sigmund Freud chính thức biến việc phân tích giấc mơ thành một kỹ thuật quan trọng của Phân tâm khi ông xuất bản cuốn sách “Diễn giải giấc mơ” vào năm 1960. Theo Freud, giấc mơ có chức năng chính là bảo vệ giấc ngủ và dùng làm nguồn thỏa mãn mong muốn. Giấc mơ bảo vệ giấc ngủ bằng cách làm giảm nhẹ căng thẳng của trí óc do những tác động lúc ban ngày gây ra và giải tỏa stress bằng cách cho người nằm mơ hành động theo những ham muốn vô thức.
Theo các nhà Phân tâm, giấc mơ là nguồn gốc quan trọng chứa đựng thông tin về những động cơ vô thức của thân chủ. Khi con người ngủ, Cái Siêu Tôi (Super Ego) sẽ yếu đi trong việc kiểm duyệt, những xung đột không thể chấp nhận được có nguồn gốc trong vô thức. Vì vậy những động cơ không thể bộc lộ trong khi thức, lại có thể được biểu hiện trong giấc mơ. Tham vấn viên có thể sử dụng phương pháp phân tích giấc mơ để hiểu và xử lý những vấn đề của người bệnh.
Theo quan điểm phân tâm, các giấc mơ có 2 hình thức về nội dung: nội dung bộc lộ rõ rệt (có thể chiêm nghiệm được) và nội dung tiềm ẩn (mang tính che giấu). Nội dung rõ rệt là điều ta nhớ lại khi thức, nội dung tiềm ẩn bao gồm những động cơ hiện tại đang tìm kiếm sự bộc lộ, nhưng chúng làm ta quá đau khổ và không thể chấp nhận được, hoặc ta không muốn thừa nhận chúng. Tham vấn viên cố gắng làm bộc lộ những động cơ bị che giấu này bằng cách sử dụng kỹ thuật giải mộng, kỹ thuật trị liệu này xem xét đánh giá nội dung của giấc mơ của một người nhằm phát hiện những động cơ vô thức, tượng trưng hay trá hình và ý nghĩ của những mong muốn và những trải nghiệm quan trọng trong cuộc sống.
1.4. Phân tích chuyển dịch (Analysis of Transferance):
Trong quá trình tham vấn theo phương pháp phân tâm, thân chủ luôn xuất hiện những phản ứng về mặt cảm xúc đối với tham vấn viên. Tham vấn viên thường được đồng nhất với người nào đó là trung tâm của những xung đột trong quá khứ (người đó thường là cha mẹ hoặc người tình). Phản ứng xúc cảm này là sự chuyển dịch, chuyển dịch tích cực xảy ra khi cảm giác liên hệ mật thiết với tham vấn viên là những tình cảm yêu thương và sự kính phục. Chuyển dịch tiêu cực xảy ra khi thân chủ có cảm xúc thù địch hoặc đố kỵ hướng đến tham vấn viên. Nhiều trường hợp thái độ của thân chủ là 2 chiều lẫn lộn, cả những tình cảm tích cực và tiêu cực.
Tham vấn viên điều chỉnh chuyển dịch là rất khó khăn và có thể nguy hiểm do tính dễ bị tổn thương về cảm xúc của thân chủ. Tuy nhiên đây là công việc quyết định của tham vấn viên, tham vấn viên giúp thân chủ “phiên dịch” những tình cảm chuyển dịch hiện có bằng cách tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ của chúng ở những trải nghiệm thời thơ ấu.
Chuyển dịch ngược (Counter Tranferance) liên quan đến cái gì xảy ra khi tham vấn viên thích hay không thích thân chủ. Thông qua chuyển dịch ngược, tham vấn viên phát hiện những động cơ vô thức của mình. Do những xúc cảm của tương tác qua lại trong tiến trình tham vấn và tính dễ bị tổn thương của thân chủ, tham vấn viên phải cảnh giác để không bước qua ranh giới giữa công việc của nhà chuyên môn và những vấn đề riêng tư, cá nhân của thân chủ.
Hiện tượng chuyển dịch tương đối khá phức tạp. Thân chủ thể hiện cảm xúc trực tiếp hướng về tham vấn viên, khi đó tham vấn viên được xem là người gây ra cảm xúc đó của thân chủ. Tiến trình này có thể làm cho thân chủ tiếp cận với xung đột của bản thân mình.
1.5. Diễn giải (Interpretation)
Thông qua diễn giải, tham vấn viên giúp thân chủ hiểu được ý nghĩa của những sự kiện trong quá khứ và những vấn đề khó khăn hiện tại của thân chủ. Kỹ thuật này còn bao hàm cả sự giải thích và phân tích những ý nghĩ, cảm xúc và hành vi của thân chủ. Tuy nhiên, tham vấn viên phải cẩn thận khi sử dụng kỹ thuật diễn giải. Nếu sử dụng quá sớm trong mối quan hệ tham vấn thì thân chủ có thể bỏ ngang tiến trình tham vấn. Ngược lại nếu diễn giải không được sử dụng hoặc sử dụng không thường xuyên thì thân chủ sẽ thất bại trong việc ý thức hóa cái vô thức. Chỉ khi nào thân chủ sẵn sàng mới có thể dùng kỹ thuật này và nó sẽ giúp thân chủ trưởng thành hơn và vượt qua khó khăn của mình.
Diễn giải là kỹ thuật nhằm từng bước đưa thân chủ quay về với thế giới hiện thực. Tham vấn viên có thể sử dụng kỹ thuật diễn giải từ kết quả của quá trình liên tưởng tự do, phân tích giấc mơ và chuyển dịch của thân chủ.
D. Đánh giá:
1. Những điểm mạnh và đóng góp
Có thể nói, đóng góp đầu tiên của Phân tâm học là nhấn mạnh đến tầm quan trọng của yếu tố tính dục và vai trò của vô thức trong hành vi con người. Trước khi học thuyết này đề cập đến, tính dục (đặc biệt là tính dục thời thơ ấu) bị phủ nhận và ít ai quan tâm đến yếu tố vô thức. Ngày nay, nhiều học thuyết đề cập đến tầm quan trọng của tính dục và cả sức mạnh của yếu tố vô thức trong đời sống tinh thần của con người.
Một đóng góp nữa của Phân tâm là cho phép bản thân nó nghiên cứu theo hướng kinh nghiệm, đó là sự khám phá. Từ đầu những năm 90, S.Freud đã đề xuất một hướng nghiên cứu rất mới. Hầu hết các nghiên cứu đều hỗ trợ cho lý thuyết đã được báo cáo dưới dạng trình bày ca.
Đóng góp thứ 3 của Phân tâm học là đã cung cấp một hệ thống lý thuyết nền tảng hỗ trợ việc xây dựng các công cụ chẩn đoán. Một số trắc nghiệm tâm lý như Trắc nghiệm tổng giác (Thematic Apperception) và Trắc nghiệm giọt mực Rorschach được xây dựng theo lý thuyết của Phân tâm học. Nhiều trắc nghiệm khác được sử dụng bởi các tham vấn viên và những nhà trị liệu cũng là sản phẩm của học thuyết này.
Một điểm mạnh khác nữa của cách tiếp cận Phân tâm là đã phản ánh được tính phức tạp của con người. Nhiều nhà lâm sàng và các học giả tin cậy đã đánh giá khá tích cực về sự phát triển của con người và những vấn đề khác có liên quan nếu hiểu được Phân tâm.
Điểm mạnh thứ 5 của Phân tâm là đã trưởng thành và phát triển cùng với thời gian, nhiều nhà thực hành Phân tâm đang làm việc trên khắp thế giới. Nye đã thống kê có khoảng 10.000 nhà thực hành Phân tâm cổ điển ở Mỹ và nhiều nhà Phân tâm mới theo hướng tiếp cận Tâm lý học Cái Tôi, hay Thuyết quan hệ-đối tượng. Phân tâm tiếp tục phát triển mà đặc biệt là gần đây đã nhấn mạnh đến tiến trình thích nghi, mối quan hệ xã hội và những chỉ dẫn trong trị liệu.
Một đóng góp khác của Phân tâm là đã thành công trong việc trị liệu một số rối loạn bao gồm hysteria, ái kỷ, những phản ứng ám ảnh cưỡng chế, rối loạn tính cách, lo âu, ám sợ và những khó khăn về tình dục.
Điểm mạnh cuối cùng của Phân tâm là nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các giai đoạn phát triển tâm thần. Sự nhấn mạnh này đã có những ảnh hưởng rất lớn đến công việc của các tác giả sau S.Freud, đặc biệt là Erikson và Levinson. Hiểu rõ sự phát triển của con người rất hữu ích khi lập kế hoạch trị liệu cho thân chủ.
2. Những hạn chế
Mặc dầu Phân tâm học được đánh giá rất cao nhưng hầu hết các chuyên gia tham vấn, các nhà trị liệu không dùng cách tiếp cận này. Nguyên nhân đầu tiên có lẽ là do phí tổn quá cao và thời gian kéo dài. Một người được tham vấn, trị liệu theo cách tiếp cận Phân tâm thường phải làm việc từ 3-5 buổi/tuần và thời gian kéo dài ít nhất là 1 năm.
Hạn chế tiêp theo của cách tiếp cận Phân tâm là không làm việc với những thân chủ lớn tuổi. Nhiều nhà phân tâm không làm việc với những thân chủ lớn hơn 50 tuổi.
Hạn chế thứ ba của Phân tâm là bị chỉ trích hầu như cách tiếp cận này chỉ dành cho các nhà Tâm thần học. Những nhà tham vấn và trị liệu không có bằng y khoa sẽ gặp khó khăn do phải kéo dài thời gian trong quá trình huấn luyện.
Hạn chế thứ tư là Phân tâm dựa vào quá nhiều các khái niệm khó hiểu và khó truyền đạt. Các thuật ngữ của Phân tâm dường như quá rắc rối phức tạp.
Một vấn đề nữa là Phân tâm đặc biệt là Phân tâm cổ điển bị chỉ trích là mang tính tiền định.
E. Tóm tắt
1. Quan điểm về nhân cách
- Nhân cách được hình thành và phát triển suốt thời thơ ấu
- Các giai đoạn phát triển tâm lý tính dục
- Nhấn mạnh đến yếu tố vô thức
- Cơ chế phòng vệ của Cái Tôi
2. Vai trò của tham vấn viên/nhà trị liệu
- Làm việc như một chuyên gia
- Khuyến khích quá trình chuyển dịch
- Tập trung vào những dữ liệu của vô thức
- Phá vỡ cơ chế phòng vệ
- Sử dụng kỹ thuật diễn giải
3. Mục tiêu tham vấn:
- Giúp thân chủ ý thức những vấn đề vô thức của mình
- Làm việc với những giai đoạn phát triển tâm lý tính dục mà thân chủ chưa giải quyết được.
- Giúp thân chủ học cách ứng phó và thích nghi
- Tái cấu trúc lại nhân cách của thân chủ.
4. Tiến trình và những kỹ thuật tham vấn
- Vài buổi/tuần
- Liên tưởng tự do
- Phân tích chuyển dịch
- Phân tích giấc mơ
- Diễn giải một cách có ý thức những vấn đề vô thức
- Chú ý đến sự chống đối
- Khuyến khích thân chủ khám phá bản thân.
5. Những vấn đề nhạy cảm về văn hoá và giới tính
- Được thực hành trên khắp thế giới
- Không thích hợp ở một số nền văn hoá
- Nhiều phụ nữ không thích vì học thuyết này cho rằng phụ nữ là những người có địa vị thấp và kém phát triển.
6. Những điểm mạnh và những đóng góp
- Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tính dục và vô thức
- Cung cấp những công cụ chẩn đoán và hoạt động chẩn đoán
- Tiếp cận theo nhiều khía cạnh của vấn đề
- Hiện nay vẫn tiếp tục phát triển
- Tập trung vào các giai đoạn phát triển
7. Những hạn chế và những chỉ trích
- Tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc
- Chỉ giới hạn trong lĩnh vực tâm thần
- Tập trung nhiều vào bệnh lý
- Quá chú trọng đến nhà trị liệu
- Thiếu niềm tin vào sự hồi phục của cá nhân
Có thể nói, những khái niệm cơ bản của học thuyết Phân tâm cổ điển có ảnh hưởng rất nhiều đến các cách tiếp cận trong tham vấn tâm lý đặc biệt là cách tiếp cận Phân tích Cái Tôi (The Ego Analytic)
Em rất vui khi đọc được bài viết của thầy. Tuy nhiên em có một số thắc mắc rất mong thầy giải đáp ạ. Thầy có thể cho em biết nhận xét, đánh giá của thầy về :
Trả lờiXóa1. Cấu trúc nhân cách.
2. Lí thuyết phát triển nhân cách.
3. Các mức độ nhận biết tâm lí.
được không ạ. Em cảm ơn thầy nhiều ạ.
Em rất vui khi đọc được bài viết của thầy. Tuy nhiên em có một số thắc mắc rất mong thầy giải đáp ạ. Thầy có thể cho em biết nhận xét, đánh giá của thầy về :
Trả lờiXóa1. Cấu trúc nhân cách.
2. Lí thuyết phát triển nhân cách.
3. Các mức độ nhận biết tâm lí.
được không ạ. Em cảm ơn thầy nhiều ạ.