NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN TRONG THAM VẤN VÀ TRỊ LIỆU TÂM LÝ


Thạc sĩ tâm lý Ngô Minh Duy
Ai trong chúng ta cũng cần sự hỗ trợ, giúp đỡ khi gặp khó khăn, bế tắc trong cuộc sống. Đó có thể là khó khăn về tài chính hoặc khó khăn tâm lý trong các mối quan hệ khi giao tiếp. Nhiều lần bạn tự hỏi “Có nên đi tham vấn/trị liệu tâm lý để tìm cách cải thiện và giải quyết vấn đề không?”
Bạn đang lo lắng. Bạn lo lắng rằng, những gì mình sẽ nói có được giữ bí mật hay không, người ta có lắng nghe mình, hiểu mình hay không hay đánh giá, bình phẩm và khinh bỉ mình, như ông bà mình thường nói “chuyện trong nhà chưa tỏ mà ngoài ngõ đã tường” có nên không?…và rồi bạn quyết định không tìm kiếm sự hỗ trợ nữa và thay vào đó là chấp nhận theo kiểu “việc gì đến rồi sẽ đến”.
Nếu bạn đang ở trong tâm trạng như thế thì chúng tôi hy vọng rằng sau khi tham khảo bài viết này bạn sẽ hiểu hơn về hoạt động tham vấn/trị liệu tâm lý và những nguyên tắc cơ bản của hoạt động này mà những người hành nghề phải tuân thủ:
1.     Bảo mật thông tin tham vấn
Tất cả những thông tin mà bạn trao đổi với nhà tham vấn/nhà trị liệu đều được giữ bí mật. Có nghĩa là, chỉ bạn và nhà tham vấn/nhà trị liệu được biết. Trong một số trường hợp thì một người nữa có thể biết đó là người làm công tác giám sát cho nhà tham vấn/nhà trị liệu, tuy nhiên người giám sát chỉ nắm những thông tin cơ bản về vấn đề của bạn để có những khuyến cáo về chuyên môn cho nhà tham vấn/nhà trị liệu tâm lý chứ không phải biết tất cả các thông tin về bạn.
Dù đó là người thân của bạn, nhà tham vấn/trị liệu tâm lý cũng không được phép tiết lộ khi chưa được sự đồng ý của bạn. Tất cả những thông tin trên đều được lưu trữ ở tủ hồ sơ tham vấn/trị liệu tâm lý và khóa rất cẩn thận. Những người khác không được tiếp cận những tài liệu này.
Khi nhà tham vấn/nhà trị liệu muốn ghi âm, ghi hình quá trình làm việc để phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, huấn luyện phải xin phép bạn trước. Nếu bạn đồng ý, họ mới được phép thực hiện hoạt động này. Tuy nhiên, phải tuân thủ nguyên tắc là người nghe và người xem không thể nhận diện ra bạn. Vì thế, bạn có thể hoàn toàn yên tâm về tính bảo mật khi đi tham vấn và trị liệu tâm lý.
2.     Thân chủ trọng tâm
Tham vấn/trị liệu tâm lý là một tiến trình tương tác giữa nhà tham vấn/nhà trị liệu và thân chủ (người có nhu cầu cần được giúp đỡ) để bạn thấy rõ về bản thân mình và thấy rõ vấn đề của mình hơn nữa, đồng thời khơi gợi tiềm năng của bạn để bạn tự giải quyết vấn đề của mình. Vì thế, nhà tham vấn/trị liệu không thể giải quyết thay cho bạn mà nhờ sự gởi mở đó mà bạn sáng tỏ vấn đề của mình, tìm cho mình được lối đi riêng. Hay nói cách khác, đó là quá trình bạn trở về với chính bản thân mình, đối diện với chính mình và vấn đề của mình để tìm cách giải quyết nó dưới sự hỗ trợ của nhà tham vấn/nhà trị liệu tâm lý. Vì thế, bạn hãy cẩn thận với những nhà tham vấn/nhà trị liệu thường xuyên đưa ra lời khuyên cho bạn vì đó có thể là nhà tham vấn/nhà trị liệu chất lượng kém.
3.     Tôn trọng và chấp nhận
Bạn được chào đón trong không khí thân tình, cởi mở và thoải mái khi bắt đầu mối quan hệ này. Bạn được phép là chính mình mà không phải lo lắng bất cứ điều gì từ họ. Nhà tham vấn/nhà trị liệu sẽ chấp nhận bạn và vấn đề của bạn một cách vô điều kiện. Họ không được phép bình phẩm, đánh giá, phán xét và chỉ trích bạn. Tuy nhiên, nhà tham vấn/nhà trị liệu tâm lý sẽ gợi mở để bạn hiễu rõ hơn bản thân mình, mối liên hệ với vấn đề mà bạn đang gặp phải.
4.     Lắng nghe
Bạn được nhà tham vấn/nhà trị liệu lắng nghe và đưa ra những phản hồi phù hợp trong quá trình làm việc với bạn. Vì thế, bạn sẽ nói nhiều hơn so với nhà tham vấn/nhà trị liệu.
5.     Thấu cảm phù hợp
Bạn và vấn đề của bạn sẽ được nhà tham vấn hiểu cặn kẽ và họ sẽ đặt mình trong trường hợp của bạn để có thể thấu hiểu hết những gì mà bạn chia sẻ, những khó khăn mà bạn đang gặp phải, cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của bạn.
6.     Không được lợi dụng thân chủ
Nhà tham vấn/nhà trị liệu tâm lý chỉ làm việc với bạn bằng chuyên môn của mình và trên tinh thần hỗ trợ. Vì thế, nhà tham vấn/nhà trị liệu tâm lý không được phép lợi dụng bạn, không được quan hệ tình dục, thiết lập quan hệ bạn bè, quan hệ tình cảm nam nữ và quan hệ hôn nhân với bạn hay biến bạn trở thành người lệ thuộc hoàn toàn trong quá trình tham vấn/trị liệu tâm lý đang diễn ra và thậm chí là ngay cả sau khi kết thúc mối quan hệ hỗ trợ này. Những điều trên chỉ được phép xảy ra sau khi kết thúc mối quan hệ hỗ trợ trong vài năm và không có tính chất lợi dụng trong mối quan hệ này. Nếu bạn là thân chủ đã làm việc với nhà tham vấn/nhà trị liệu đó rồi thì bạn không nên lập gia đình với họ. Bởi vì, có thể bạn sẽ có nguy cơ phụ thuộc suốt đời vào họ. Những điều này là cần thiết để đảm bảo an toàn và sự khỏe mạnh cho bạn.
7.     Tránh mối quan hệ sóng đôi
Nhà tham vấn/nhà trị liệu chỉ làm việc với động cơ là hỗ trợ bạn vượt qua khó khăn. Vì thế, ngoài mối quan hệ chuyên môn hỗ trợ không thể tồn tại bất cứ mối quan hệ nào khác. Bởi vì, điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng của tiến trình tham vấn/trị liệu tâm lý cho bạn. Nếu bạn đã có một mối liên hệ với nhà tham vấn/nhà trị liệu trước đó (anh em, bạn bè, cha con, ...) thì bạn không nên làm tham vấn/trị liệu tâm lý với họ và họ cũng không được phép làm như thế với bạn. Tuy nhiên, bạn có thể tìm kiếm những chuyên gia có uy tín  khác trong lĩnh vực này qua sự giới thiệu của họ.
Nguyên tắc đạo đức hành nghề tham vấn/trị liệu tâm lý có rất nhiều điều, được quy định cụ thể, chi tiết. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ trình bày những nguyên tắc cơ bản nhất mà nhà tham vấn/nhà trị liệu tâm lý phải tuân thủ khi hành nghề. Vì thế, bạn có thể tin tưởng vào mối quan hệ hỗ trợ này. Đây là đối tượng cự kỳ an toàn và hiệu quả trong hệ thống hỗ trợ của bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét