PHÁ VỠ CƠ CHẾ PHÒNG VỆ DỒN NÉN TRONG TIẾN TRÌNH THAM VẤN TÂM LÝ QUA MỘT CA LÂM SÀNG

Trích từ "Luận văn tốt nghiệp đại học của Ngô Minh Duy"

1.      LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ
1.1 Một số nghiên cứu ở nước ngoài
Sigmund Freud là người đầu tiên đề cập đến cơ chế phòng vệ nhưng ông chưa phân loại và nghiên cứu một cách có hệ thống về vấn đề này. Anna Freud (con gái của Sigmund Freud) đã tiếp tục nghiên cứu và mở rộng vấn đề cơ chế phòng vệ trong tác phẩm rất nổi tiếng của mình “Ego and mechanisms of defense” được xuất bản năm 1936.
Melanie Klein và một số nhà Phân tâm khác cũng đề cập đến cơ chế phòng vệ. Đó là nền tảng căn bản cho một số lý thuyết về cơ chế phòng vệ của một số tác giả sau này.
1.1.1     Lý thuyết của O. F. Kernberg về những cơ chế phòng vệ
ranh giới
“Otto Kernberg (1967) đã xây dựng một lý thuyết về việc hình thành nhân cách ranh giới - Borderline personality (ông cho rằng, việc sử dụng một số cơ chế phòng vệ có thể dẫn đến rối loạn nhân cách ranh giơí-Boderline Personality Disoder). Lý thuyết của ông dựa trên lý thuyết mối tương quan với đối tượng trong Tâm lý học cái Tôi. Otto Kernberg cho rằng, nhân cách ranh giới được hình thành khi đứa trẻ không thể hoà nhập tốt và tiếp xúc với những đối tượng có sức khoẻ tinh thần không tốt. Thân chủ sử dụng những cơ chế phòng vệ gốc là nguyên nhân chính dẫn đến việc hình thành kiểu nhân cách này. Những cơ chế phòng vệ tâm lý gốc là: phóng chiếu (projection), phủ nhận (denial), phân ly (dissociation) hay chia tách (splitting) và chúng được gọi là những cơ chế phòng vệ ranh giới (boderline defense mechanisms). Ngoài ra, cơ chế phòng vệ giảm giá trị (devaluation) và đồng nhất xạ ảnh (projective identification ) cũng được xem là những cơ chế ranh giới.”[57]
1.1.2     George Vaillant và thuyết hệ thống thứ bậc của cơ chế phòng vệ.
“Năm 1977, George Vaillant đã phân loại các dạng cơ chế phòng vệ theo một hệ thống thứ bậc như sau:
-        Cấp độ I: Những cơ chế phòng vệ loạn thần (psychotic defenses) như: phủ nhận loạn thần (psychotic denial), phóng chiếu ảo giác (delusional projection).
-        Cấp độ II: Những cơ chế phòng vệ chưa trưởng thành (immature defences) như: tưởng tượng (fantasy), phóng chiếu (projection), gây hấn thụ động (passive aggression), bốc đồng (acting out).
-        Cấp độ III: Những cơ chế phòng vệ loạn thần kinh chức năng (neurotic defenses) như: Trí thức hóa (intellectualization), phản ứng ngược (reaction formation), phân ly (dissociation), chuyển dịch (displacement), dồn nén (repression).
-        Cấp độ IV: Những cơ chế phòng vệ trưởng thành như: hài hước (humor), thăng hoa (sublimation), kiềm nén (suppression), vị tha (altruism), sự đề phòng (anticipation)”.[57]
1.1.3    Lý thuyết của Robert Plutchik về sự tiến triển tâm lý về mặt cảm xúc và cơ chế phòng vệ.
“Lý thuyết của Robert Plutchik (1979) xem cơ chế phòng vệ nguồn gốc căn bản của cảm xúc. Cơ chế phòng vệ theo lý thuyết của ông bao gồm: phản ứng ngược (reaction formation), phủ nhận (denial), dồn nén (repression), thoái lùi (regression), bù trừ (compensation), phóng chiếu (projection), chuyển dịch (displacement), trí thức hoá (intellectualization)”.[57]
1.1.4            Phân loại cơ chế phòng vệ theo Sổ tay thống kê và chẩn đoán
các rối loạn tâm thần (DSM-IV).
“Sổ tay thống kê và chẩn đoán các rối loạn tâm thần (DSM-IV) do Hội tâm thần học Hoa Kỳ xuất bản năm 1994 bao gồm chẩn đoán thăm dò theo trục về những cơ chế phòng vệ. Cách phân loại này dựa trên phần lớn quan điểm về hệ thống thứ bậc cơ chế phòng vệ của Vaillant nhưng có sữa đổi một vài chỗ. Các cấp độ của cơ chế phòng vệ là:
-        Những cơ chế phòng vệ mang tính điều chỉnh thái quá như: phóng chiếu ảo giác (delusional projection), phủ nhận loạn thần (psychotic denial).
-        Những cơ chế phòng vệ mang tính hành động như: gây hấn thụ động (passive aggression), bốc đồng (acting out).
-        Những cơ chế phòng vệ mang tính không thừa nhận hay tưởng tượng, bóp méo như: phóng chiếu (projection), tưởng tượng (fantasy).
-        Những cơ chế phòng vệ mang tính thoả hịêp như: phân ly (dissociation), chuyển dịch (displacement).
-        Những cơ chế phòng vệ mang tính thích nghi cao như: vị tha (altruism), thăng hoa (sublimation)”.[57]
Hiện nay, các nhà Tâm lý học và Tâm thần học thuộc Hội Tâm thần học Hoa Kỳ đang nghiên cứu về mối liên hệ giữa cơ chế phòng vệ và các rối loạn lo âu và trầm cảm đồng thời định chuẩn, đánh giá và đề xuất thêm trục số VI trong hệ thống chẩn đoán đa trục của Sổ tay thống kê và chẩn đoán rút gọn các rối loạn tâm thần (DSM-IV) để xem xét cơ chế phòng vệ của thân chủ.
Qua các nghiên cứu trên chúng ta có thể nhận định rằng, hầu hết các tác giả nghiên cứu về cơ chế phòng vệ có xu hướng tập trung nghiên cứu đến vấn đề mối liên hệ giữa cơ chế phòng vệ và các yếu tố khác như: mối liên hệ giữa cơ chế phòng vệ và các rối loạn tâm thần, mối liên hệ giữa cơ chế phòng vệ và sự tiến triển tâm lý về mặt cảm xúc… và vấn đề phân loại cơ chế phòng vệ theo hệ thống thứ bậc. Hầu như, chưa có tác giả nào nghiên cứu về vấn đề phá vỡ cơ chế phòng vệ của thân chủ trong tiến trình tham vấn tâm lý.
1.2 Một số nghiên cứu trong nước.
Theo kết quả tìm kiếm của PHÒNG ĐẢM BẢO THÔNG TIN-TRUNG TÂM THÔNG TIN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ -79C Trương  Định , Quận  1, TP. Hồ  Chí  Minh (thuộc Sở khoa học và công nghệ TP. Hồ Chí Minh) ở Việt Nam chưa có một công trình nghiên cứu của bất kỳ tác giả nào nghiên cứu về vấn đề cơ chế phòng vệ trong tiến trình tham vấn tâm lý hay phá vỡ cơ chế phòng vệ dồn nén trong tiến trình tham vấn tâm lý.
Nhưng trong một số sách giáo khoa thuộc chuyên ngành Tâm lý học như: Từ điển tâm lý học (Nguyễn Khắc Viện), Tâm lý học ứng dụng (Trần Đình Xiêm), Tâm lý học đại cương ( PGS. TS Trần Tuấn Lộ), Tâm lý học căn bản (Roberts Feldman, biên dịch: Minh Đức-Hồ Kim Chung), Các thuyết về Tâm lý học phát triển (Patricia H. Miler, lược dịch: Vũ Thị Chín), giáo trình Sức khoẻ tâm thần và Tâm lý bệnh học của bác sĩ Lâm Xuân Điền …có đề cập đến cơ chế phòng vệ và trình bày một số cơ chế phòng vệ.
2.      CÁC THUẬT NGỮ, KHÁI NIỆM
2.1 Tham vấn tâm lý.
“Tham vấn tâm lý là một khoa học, là một tiến trình tương tác, hỗ trợ và nâng cao năng lực của thân chủ để thân chủ tự giải quyết khó khăn của chính mình”; với những nguyên tắc cơ bản kín đáo, bí mật, tôn trọng, chấp nhận thân chủ…”[ 35;28]
Theo TS Huỳnh Văn Sơn: “tham vấn tâm lý là quá trình tương tác giữa nhà tham vấn (người có chuyên môn và kỹ năng tham vấn, có các phẩm chất của nghề) với khách hàng hay còn gọi là thân chủ (người đang có khó khăn về tâm lý cần được giúp đỡ). Thông qua sự trao đổi, chia sẻ, tâm tình (dựa trên mối quan hệ mang tính nghề nghiệp), nhà tham vấn giúp khách hàng hiểu và chấp nhận thực tế của mình, tìm những tiềm năng bản thân để giải quyết vấn đề của chính mình”.[35;205]
PGS. TS Bùi Ngọc Oánh cho rằng, “tham vấn tâm lý là một trong những khái niệm mới của tâm lý học hiện đại, là một quá trình trong đó nhà tham vấn giúp đỡ cho thân chủ (đối tượng) tham dự vào việc giải quyết các vấn đề của bản thân. Tham vấn là một hoạt động giúp cho khách hàng tự tìm hiểu để tìm ra những giải pháp, cách thức giải quyết các vấn đề của mình, từ đó giúp cho nhân cách của họ phát triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Trong quá trình tham vấn có hoạt động tương tác giữa nhà tham vấn với thân chủ. Nói cách khác, đối tượng được tham vấn tham gia một cách chủ động vào việc giải quyết các vấn đề của mình trong sự gợi mở, trao đổi của nhà tham vấn”.[35;169]
Bàn về tham vấn, TS Trần Thị Giồng cho rằng, tham vấn tâm lý là một tiến trình tương tác giữa tham vấn viên và thân chủ nhằm khơi dậy tiềm năng nơi thân chủ để thân chủ tự quyết vấn đề của mình.
Theo tôi, tham vấn tâm lý là một tiến trình tương tác giữa tham vấn viên và thân chủ nhằm lắng nghe, thấu cảm, chấp nhận, gợi mở vấn đề, để thân chủ hiểu bản thân mình hơn và hiểu vấn đề của mình hơn đồng thời phát huy sức mạnh nội lực của thân chủ để thân chủ có thể tự giải quyết vấn đề của mình.
2.2 Tiến trình tham vấn tâm lý.
Phân tích theo phương pháp chiết tự thì “tiến” có nghĩa là diễn tiến, tiến triển. “trình” có nghĩa là dài. Tiến trình tham vấn tâm lý chúng ta có thể hiểu là diễn biến của quá trình tham vấn tâm lý. Một tiến trình tham vấn tâm lý có mở đầu, diễn tiến và kết thúc nhưng tuỳ theo mỗi trường phái, mỗi cách tiếp cận và tuỳ thuộc vào từng loại cơ sở mà tiến trình đó có những giai đoạn, những bước khác nhau. Là tham vấn viên của phòng tham vấn tâm lý IFC nên người nghiên cứu tuân thủ hoàn  toàn theo tiến trình tham vấn/trị liệu được thực hiện tại đây. Tiến trình đó bao gồm các bước cụ thể sau:
“Bước 1: Chào đón thân chủ. Đây là bước quan trọng để tạo ấn tượng tốt đẹp trong lần gặp gỡ đầu tiên.
Bước 2: Trao đổi những thông tin cơ bản ban đầu với thân chủ, gồm có:
-        Thông tin cá nhân: họ tên, học vấn, nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân…
-        Thoả thuận một số nguyên tắc và cách thức làm việc tại phòng tham vấn IFC:
·       Thời gian làm việc cho mỗi buổi là 30 phút. Nếu thân chủ đến trễ thì thời gian làm việc sẽ ngắn lại. Sự đúng giờ là một trong những yếu tố quan trọng giúp thân chủ học cách quản lý cuộc sống của họ. Và khi thân chủ không đến được buổi làm việc theo lịch hẹn thì phải gọi điện thoại thông báo trước. Tất cả những điều này nhằm tạo cho thân chủ một giới hạn ban đầu và tinh thần trách nhiệm trong suốt quá trình làm việc.
·       Mức phí cho mỗi buổi làm việc.
·       Nguyên tắc bảo mật thông tin và tôn trọng lắng nghe, không phán xét theo các giá trị đạo đức đúng sai để khuyến khích và bước đầu cho thân chủ thấy mình có quyền thoải mái trình bày suy nghĩ và cảm xúc của mình.
·       Cách thức làm việc là có một nhà tham vấn/trị liệu chính, một người giám sát và một số tham vấn viên/trị liệu khác cùng hỗ trợ như một nhóm, nếu thân chủ không thấy thoải mái khi có quá nhiều người thì có thể từ chối và chỉ làm việc với nhà tham vấn/trị liệu chính. Nhà tham vấn/trị liệu không làm giúp hay không giải quyết dùm thân chủ các vấn đề của họ mà chỉ là người gợi mở cho thân chủ thấy nhiều hướng, nhiều cách lựa chọn khác nhau để giải quyết vấn đề của họ và là người song hành cùng thân chủ đi suốt con đường giải quyết vấn vấn đề.
-        Lưu ý nhấn mạnh sự hợp tác của thân chủ trong việc cung cấp thông tin và việc chữa trị là một quá trình cần có thời gian và sự kiên trì.
-        Thân chủ trình bày vấn đề khó khăn hiện tại của họ và mục đích đến phòng tham vấn IFC.
-        Nhà tham vấn/trị liệu cần thống nhất về mục đích làm việc với thân chủ trong suốt quá trình tham vấn/trị liệu.
-        Từ vấn đề khó khăn của thân chủ, nhà tham vấn/trị liệu hỏi sâu thêm một số triệu chứng quanh vấn đề đó.
-        Lưu ý trong suốt giai đoạn này, sự lắng nghe của nhà tham vấn/trị liệu là cần thiết, dùng sự tiếp xúc bằng mắt, mặt đối mặt khi giao tiếp, đặt toàn bộ sự chú ý vào thân chủ. Đây là một vấn đề bắt đầu xây dựng lòng tự tin cho thân chủ, để thân chủ bắt đầu tin rằng nhà tham vấn/trị liệu thực sự thích thú, quan tâm đến họ và sẵn sàng dành thời gian để lắng nghe và giúp đỡ họ, để họ thấy mình là người quan trọng và nâng giá trị của thân chủ lên.
Bước 3: Chẩn đoán tạm thời qua những triệu chứng được thân chủ mô tả.
Bước 4: Tìm hiểu lịch sử gia đình, quá trình phát triển của thân chủ, những biến cố đã trải qua, quan hệ với những người thân trong gia đình, với bạn bè, đồng nghiệp. Nhà tham vấn/trị liệu phải luôn luôn đặt câu hỏi về các thông tin mà bản thân mình nhận thấy có thể có liên quan và chưa hiểu rõ. Trong giai đoạn này, cần sử dụng tốt khả năng làm rõ thông tin, phản hồi và thông cảm với những gì thân chủ đã trải qua.
Nhà tham vấn/trị liệu phải tiếp tục lắng nghe thân chủ không phán xét, từ đó, dần dần tạo niềm tin để thân chủ nhận thấy rằng chúng ta thật sự lắng nghe và tôn trọng, thành thật với họ, để họ tin tưởng và nói cho chúng ta nghe về bí mật của họ (đặc biệt là những trường hợp bị lạm dụng tình dục và họ có những cảm xúc, hành động mà theo chuẩn mực xã hội hiện nay là sai trái,không nên, không được).
Bước 5: Qua việc tìm hiểu về lịch sử gia đình, các mối quan hệ giao tiếp, cách nhìn nhận, suy nghĩ về một vấn đề, tổng hợp và tổ chức, sắp xếp các thông tin lại với nhau à xác định được nguyên  nhân  thật sự của vấn đề và chẩn đoán lần 2. Rối loạn đựơc chẩn đoán lần 2 này có thể trùng với chẩn đoán tạm thời nhưng cũng có thể khác hoàn toàn, cũng có thể nhiều rối loạn cùng tồn tại song song.
-        Có 3 yếu tố cần phân tích trong quá trình thu thập và tổng hợp thông tin:
·       Cái tôi của thân chủ như thế nào, tự đánh giá bản thân cao hay thấp.
·       Thân chủ đã dùng cơ chế phòng vệ nào mà hậu quả dẫn đến rối loạn à tìm cách giải thích và phá vỡ cơ chế phòng vệ.
·       Quá trình tách rời của thân chủ khỏi gia đình như thế nào.
Bước 6: Từ chẩn đoán chính xác sẽ xác lập hệ thống mục tiêu chữa trị từng bước.
Bước 7: Tiến hành thực hiện từng mục tiêu một trong hệ thống với thân chủ trong từng buổi tham vấn/trị liệu. Tuỳ vào mục tiêu đưa ra để áp dụng các liệu pháp thích hợp như liệu pháp hành vi, liệu pháp nhận thức, liệu pháp thân chủ làm trọng tâm. Tuy nhiên, cần lưu ý là không thúc đẩy thân chủ thay đổi quá nhanh khi họ chưa sẵn sàng.
-        Trong trường hợp họ nhận thấy vấn đề hiện nay là do lỗi của mình, do mình đáng như vậy hay cho rằng hành vi, suy nghĩ của mình là lệch lạc thì dùng liệu pháp nhận thức, thay đổi nhận thức của họ bằng cách giải thích nguồn gốc nguyên nhân vấn đề là xuất phát từ đâu, vì sao.
-        Dùng liệu pháp hành vi để thay đổi dần hệ thống hành vi của họ trong cuộc sống như ăn uống, sinh hoạt hằng ngày, phản ứng khi mình không đồng tình, hành vi như thế nào là phù hợp…
-        Thiết lập mối quan hệ với thân chủ trên cơ sở tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau, bằng cách lắng nghe và chấp nhận vô điều kiện, không phê phán, không phán xét theo chuẩn mực đạo đức hiện thời. Sự tin tưởng và tương tác lẫn nhau giữa nhà tham vấn/trị liệu là yếu tố vô cùng quan trọng để tiến trình tham vấn/trị liệu được diễn ra thuận lợi và hiệu quả nhanh.
-        Dùng mô hình đa tham vấn viên/nhà trị liệu (nhiều nhà tham vấn/trị liệu cùng tham vấn/trị liệu cho 1 thân chủ) để tham vấn/trị liệu, nhằm làm tăng lòng tự tôn, khả năng giao tiếp…
Luôn làm việc dựa trên những mục tiêu trong hệ thống đã đặt ra và luôn kiểm tra xem mục tiêu đó đã đạt chưa để sang mục tiêu kế tiếp trong hệ thống. Thực hiện các mục tiêu diễn ra trong buổi chữa trị và trong thời gian thân chủ ở nhà dưới dạng các bài tập để thân chủ chọn lựa. Nếu không thành công ở mục tiêu nào đó thì tìm hiểu tại sao lại không thành công, cái gì ngăn trở thân chủ thực hiện các mục tiêu hay làm bài tập đó.
Bước 8: Khi thân chủ cảm thấy tốt hơn, nhà tham vấn/trị liệu tiến hành lượng giá sự thuyên giảm của những triệu chứng và sự thoả mãn các mục đích ban đầu đã đặt ra. Nếu thân chủ không còn mục đích nào khác thì chuẩn bị cho sự kết thúc quá trình tham vấn/trị liệu.
Bước 9: Buổi kết thúc: trao đổi thẳng thắn về kết quả quá trình làm việc, sự phản hồi thông tin từ phía thân chủ và nhà tham vấn/trị liệu, thường dùng hình thức đa tham vấn viên/nhà trị liệu, từng người một sẽ trình bày suy nghĩ của mình về quá trình làm việc, về bản thân thân chủ nhằm mục đích khẳng định lần nữa sự khoẻ mạnh và lòng tự tôn của bản thân thân chủ.
ªMột số điều lưu ý:
-        Trong suốt quá trình tham vấn/trị liệu, luôn chú ý đến sự phản hồi thông tin từ thân chủ cũng như từ nhà tham vấn/trị liệu để quá trình làm việc tốt hơn, thoải mái hơn.
-        Có quản lý case dưới sự giám sát của người giám sát, trao đổi về triệu chứng, thông tin của thân chủ để chẩn đoán bệnh và thống nhất mục tiêu chữa trị.” [38]
Tuy nhiên, tham vấn viên/nhà trị liệu cần ứng dụng một cách linh hoạt các bước trong tiến trình tham vấn và trị liệu, không nên quá cứng nhắc trong tiến trình làm việc, cần phải linh hoạt trong suốt tiến trình để đạt kết quả tốt nhất.
2.3 Lâm sàng
“Lâm sàng (tiếng Hi Lạp Cliné, giường) có những ý nghĩa như sau:
-        Liên quan đến việc dạy nghệ thuật y học ngay tại giường bệnh.
-        Có thể được thực hiện hay nhận biết bởi thầy thuốc ngay tại giường bệnh, không kèm theo những phương pháp phòng thí nghiệm.
Nghĩa bóng:
-        Việc dạy nghệ thuật y học thực hiện tại giường bệnh và toàn bộ những hiểu biết được tiếp thu theo kiểu như vậy.
-        Khoa điều trị, nơi thực hiện việc dạy học.
Lâm sàng y học bao hàm triệu chứng học và phương pháp tiến hành từ việc thu thập các triệu chứng cho đến việc phối hợp chúng lại thành hội chứng và việc tìm ra căn bệnh.
Nét đặc trưng của lâm sàng tâm lý: Lâm sàng tâm lý đặt ý nghĩa, sự biến đổi và cái toàn thể vào những khái niệm riêng. Nó cũng sử dụng mối quan hệ với bệnh nhân và sự quan sát . Tâm lý học lâm sàng chú trọng đến việc đặt để những yếu tố quan sát được trong lịch sử của bệnh nhân và trong sự riêng biệt của nó”.[6;7]

3.      TỔNG QUAN VỀ CƠ CHẾ PHÒNG VỆ
3.1 Khái niệm.
“Khái niệm cơ chế phòng vệ (defense mechanism) lần đầu tiên được Sigmund Freud đề cập đến trong một bài báo có tựa đề “The Neuro-Psychoses of Defense” vào năm 1894 và tiếp sau đó được thảo luận trong bài “Futher Remarks on the Neuro-Psychoses of Defense” vào năm 1896 và bài “The Aetiology of Hysteria” Lần cuối cùng cụm từ này xuất hiện trong bài báo với tựa đề “Instincts and Their Vicissitude” vào năm 1915, đã có những thay đổi về bản chất và hoàn toàn đối lập với trước đây, thêm vào đó là dồn nén và thăng hoa được xem như là những cơ chế phòng vệ.
Trong các tác phẩm của Sigmund Freud, hai từ phòng vệ và cơ chế phòng vệ không có sự khác biệt rõ ràng. (Sau này chúng được xem là một tiến trình của vô thức có tác dụng phòng vệ). Theo Sigmund Freud, khái niệm phòng vệ được xem là sự cố gắng của cái Tôi đáp ứng trước những biến đổi của tinh thần như: sự đau đớn, những vấn đề không thể chịu đựng nỗi, hay những điều không thể chấp nhận được. Một giai đoạn sau đó, dường như Sigmund Freud đã quên lãng cụm từ này và thay vào đó là khái niệm về sự “dồn nén”.
Cụm từ cơ chế phòng vệ được Sigmund Freud đề cập lại trong bài “Neurotic Mechanism in Jealousy, Paranoia and Homosexuality” vào năm 1922. Freud đã xem xét tầm quan trọng của cơ chế nội chiếu (hay đồng nhất hoá), phóng chiếu và tất cả được đặt cho tên là “Neurotic Mechanism”. Sau đó, trong phần phụ lục được thêm vào “Inhibitions, Sysmtom and Anxiety” vào năm 1926, Freud đã xem xét lại khái niệm này có liên quan đến những gì được dồn nén và ông đã đưa ra nhận xét “đây là một bước tiến không thể tranh cãi, và tôi nghĩ rằng sẽ quay lại với khái niệm phòng vệ trước đây đã được đề cập và chúng ta mượn nó như một cái tên gọi chung cho tất cả các cách thức mà cái Tôi sử dụng khi có những xung đột và điều này có thể dẫn đến chứng rối loạn thần kinh chức năng và chúng ta giữa lại từ dồn nén như là một phương pháp phòng vệ đặc biệt, đây là hướng đi cho cách tiếp cận về những nghiên cứu của chúng ta, làm chúng ta thấy quen thuộc hơn với lần đề cập trước đây”.
Freud còn nói thêm rằng “Những công trình nghiên cứu sâu hơn có thể chỉ ra rằng có một mối liên hệ mật thiết giữa những dạng phòng vệ đặc biệt và các chứng bệnh, ví dụ như mối quan hệ giữa dồn nén và hysteria”. Về vấn đề này Freud muốn nói một cách cụ thể rằng cái Tôi bảo vệ bản thân nó trước những xung đột bằng cách truyền nghị lực, tinh thần ngược (counter- cathexis). Quá trình truyền nghị lực, tinh thần ngược là tính chất quan trọng nhất của cơ chế phòng vệ.
Sau đó quan điểm này tiếp tục được Heinz Hartmann phát triển (1950) trong nội dung lý thuyết về những chức năng tự động của Cái Tôi. Ông cho rằng, một khi năng lượng của quá trình truyền nghị lực, tinh thần ngược (counter-cathexis) bị thụt lùi là nguyên nhân của xung đột và nó bị vô hiệu hoá. Theo ông, những tiến trình tự động (tổ chức, truyền nghị lực tinh thần ngược, trì hoãn) có thể được xem là tiền đề cho những cơ chế phòng vệ. Nói chung, các cơ chế phòng vệ của những người bị loạn thần kinh chức năng dẫn đến sự cường điệu hoá hay sự bóp méo và những cơ chế thích ứng”.[62]
“Sigmund Freud là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ cơ chế phòng vệ vào năm 1894 nhưng ông không phân loại chúng mà chỉ xem cơ chế phòng vệ đơn giản là một hiện tượng của dồn nén. Sau đó, con gái ông là bà Anna Freud đã tiếp tục mở rộng học thuyết của Sigmund Freud vào những năm 1930”.[49]
 “Với sự phát triển mạnh của xu hướng Tâm lý học cái Tôi (Ego-Psychology) Anna Freud đã nghiên cứu về chức năng của cái Tôi và bà đã liệt kê và mô tả những cơ chế phòng vệ của cái Tôi. Theo Anna Freud, “mọi sự thăng trầm có khả năng xuất phát từ hoạt động của cái Tôi”. Anna Freud đã nhận dạng 9 cơ chế phòng vệ gốc đó là: Thoái lùi (regression), dồn nén (repression), phản ứng ngược (reaction-formation), sự cô lập (isolation), sự huỷ hoại (undoing), phóng chiếu (projection), nội chiếu (introjection), sự đổi hướng chống lại bản thân (turning against the self) và sự đảo lộn (reversal) và bà nói rằng “chúng ta phải tiếp tục bổ sung cơ chế phòng vệ thứ 10 và hơn thế nữa để nghiên cứu về những cơ chế phòng vệ bình thường như: thăng hoa (sublimation) hay chuyển dịch (displacement), chứ không phải là những cơ chế gắn liền với những rối loạn thần kinh chức năng”.[62]
Những người theo trường phái của Melanie Klein cho rằng, những cơ chế phòng vệ khác với cấu trúc của cái Tôi và một trong số họ cho rằng không có cấu trúc cái Tôi [(hay nói cách khác là không phân biệt được cái Ấy (Id) và cái Tôi (Ego)]. Sự phòng vệ chỉ đơn thuần là những chức năng của tinh thần. Theo Susan Isaacs(1949), tất cả các cơ chế của tinh thần có mối quan hệ mật thiết với khả năng tưởng tượng…Melanie Klein  cũng đã nhận biết một số cơ chế phòng vệ gốc như: sự tách đôi (splitting), lý tưởng hoá (idealization), đồng nhất xạ ảnh (projective identification) và những phòng vệ vui buồn thất thường (manic defenses). Ngày nay, cụm từ phòng vệcơ chế phòng vệ vẫn được sử dụng để thay thế cho nhau và chính điều này đã gây ra một sự nhầm lẫn giữa một bên là khái niệm của cách tiếp cận theo hướng mô tả và một bên lại dựa trên cách tiếp cận phân tích sự thích ứng của tinh thần theo quan điểm kinh tế học”.[62]
Vậy cơ chế phòng vệ là gì?
Giáo trình Sức khỏe tâm thần và tâm lý bệnh học của bác sĩ Lâm Xuân Điền viết “cơ chế phòng vệ là những thao tác của bộ máy tâm trí nhằm giảm thiểu những căng thẳng bên trong. Chúng thường có giá trị che chở sự toàn vẹn của bộ máy tâm lý, nhưng hiệu quả không giống nhau. Chúng cũng dễ bị sự điều hành của các quá trình tiên phát và như vậy có thể gây bệnh và cản trở hoạt động tâm thần”.[7;18]
Từ điển Tâm lý do Nguyễn Khắc Viện chủ biên, NXB Ngoại Văn, Trung tâm nghiên cứu Tâm lý trẻ em  Hà Nội, 1991 cho rằng “cơ chế phòng vệ thường là vô thức, chủ thể, nói đúng hơn là cái Tôi vận dụng để gạt bỏ, che dấu, làm dịu đi tình trạng căng thẳng, khó chịu do một ý nghĩ, một ham muốn khó chấp nhận. Trong cuộc sống xã hội, dồn nén là cơ chế phòng vệ chung; Phân tâm học còn phân biệt nhiều cơ chế, như là chuyển di, phóng chiếu, thăng hoa. Khi khám nghiệm hay trị liệu, cần nhận rõ những cơ chế phòng vệ này để giúp đương sự nhận thức ra và nhờ đó giải toả được những mặc cảm sâu kín vì bao giờ một người bị rối loạn tâm lý, đứng trước người khác cũng vận dụng một cơ chế phòng vệ”.[9;45]
Theo tôi, “cơ chế phòng vệ là một cách để đối phó với lo âu, giảm căng thẳng và phục hồi lại trạng thái thăng bằng cảm xúc của một người. Cơ chế phòng vệ thường xuất hiện ở cấp độ vô thức và có khuynh hướng bóp méo sự thật làm cho chúng ta dễ dàng hơn trong việc đối phó với vấn đề. Con người sử dụng cơ chế phòng vệ như một cách để làm dịu đi lo âu. Khi cơ chế phòng vệ được sử dụng một cách quá mức chúng sẽ cản trở những khả năng của con người. Cơ chế phòng vệ thường được sử dụng riêng lẽ hay kết hợp với một số cơ chế phòng vệ khác. Cơ chế phòng vệ được sử dụng ở những mức độ khác nhau và tuỳ thuộc vào việc chúng phù hợp như thế nào với những nhu cầu của chúng ta.[32;196]
3.2 Cơ sở sinh lý của cơ chế phòng vệ
Theo quan điểm sinh học, “cơ chế phòng vệ là phản ứng sinh lý của cơ thể để bảo vệ bản thân trước những kích thích từ môi trường bên ngoài”.[46] Một “khi cơ thể bị Stress, phần lớn hệ giao cảm bị kích thích cùng một lúc, sẽ gây gia tăng hoạt động nhiều chức năng trong cơ thể như: tăng huyết áp, tăng lượng máu đến các cơ đang hoạt động, và giảm lượng máu đến các cơ quan nội tạng và ngoại biên; tăng chuyển hoá của các tế bào cơ thể, tăng đường huyết và tăng hoạt động tinh thần… Tức là làm cho hoạt động chức năng của các cơ quan tăng ở một mức độ cực đại, để cơ thể chống lại các đả kích vào cơ thể. Mục đích của giao cảm là cung cấp năng lượng lớn cho cơ thể, trong tình trạng tăng hoạt động giao cảm, gọi là đáp ứng báo động hay Stress. Đáp ứng này có ý nghĩa tự vệ quan trọng”.[16;266]
3.3 Cơ sở tâm lý của cơ chế phòng vệ
Một trong những luận điểm quan trọng của Sigmund Freud đó là luận điểm về tảng băng tâm trí (Mental Iceberg). Freud cho rằng, cấu tạo tâm trí của con người của chúng ta giống như cấu tạo của một tảng băng có 3 phần gồm: ý thức (conciousness), tiền ý thức (preconciousness) và vô thức (unconciousness). Trong đó ý thức là phần chiếm tỉ lệ rất ít bao gồm những gì mà chúng ta có thể biết được,  tư duy được vào bất cứ lúc nào. Tiền ý thức là phần nằm gần ý thức nhất và có khả năng chuyển lên cấp độ ý thức. Tiền ý thức bao gồm trí nhớ và những kiến thức được lưu trữ thông qua quá trình ghi nhớ. Vô thức là phần chiếm tỉ lệ lớn nhất bao gồm: sự sợ hãi, những ham muốn tình dục không thể chấp nhận được, những động cơ trái với luân thường đạo lý, những ước muốn không hợp lý, những trải nghiệm không tốt…mà chủ thể không ý thức được. Đối lập với Tâm lý học Macxít đánh giá rất cao vai trò của ý thức và xem ý thức là yếu tố quyết định chi phối đến sự phát triển nhân cách của chủ thể. “Theo quan điểm của Sigmund Freud, vô thức mới là phần quan trọng nhất của tâm trí và nhân cách, bởi vì chúng tồn tại trong khắp các hành vi của con người. Chúng ta không thể nhận biết những hoạt động tinh thần xuất hiện trong một phần của tâm trí, chúng ta cũng không thể đưa chúng trở về cấp độ ý thức. Thực tế thì, chúng ta không biết vì sao chúng ta lại làm thế. Một ví dụ điển hình nhất đó là một người đàn ông ghét mẹ của ông ta không nhận thức được rằng ông ta đang có những cảm xúc đó”.[27;28]
“Một phép so sánh sau đây có thể giúp bạn đánh giá đúng ảnh hưởng rộng lớn của vô thức. Ban ngày chúng ta không thể thấy được những ngôi sao, chúng ta nói như thể chúng chỉ “mọc ra” vào ban đêm nhưng thực ra chúng vẫn luôn ở đó trên bầu trời. Chúng ta cũng ước lượng quá thấp con số chính xác của các ngôi sao. Chúng ta nhìn lên bầu trời thấy những đám sao lác đác mờ tỏ và cứ tưởng rằng đó là tất cả. Khi đã đi xa khỏi ánh đèn thành phố, chúng ta nhìn thấy bầu trời khảm đầy sao và chúng ta bị ngập chìm trong sự rực rỡ của thiên hà. Nhưng chỉ khi nghiên cứu thiên văn học chúng ta mới biết hết sự thật rằng hàng trăm ngàn ngôi sao chúng ta thấy trong một đêm không trăng và trời trong chỉ là một phần rất nhỏ của số sao trong vũ trụ và rất nhiều những đốm sáng mà chúng ta tưởng là một ngôi sao thực ra là cả một thiên hà. Với vô thức cũng vậy, những suy nghĩ có luận lý và trật tự của tư duy ý thức chỉ là một tấm màng mỏng phủ lên vô thức là khu vực vẫn hoạt động mãnh liệt và có hiệu lực trong mọi lúc mọi nơi” [4;20]
Theo Freud, hoà lẫn vào ba phần trong tâm trí của tảng băng tâm trí còn có sự hiện diện của ba yếu tố không thể thiếu đó là: cái Ấy (The Id), cái Tôi (The Ego) và cái Siêu Tôi (The Supper Ego). Dưới cái nhìn của học thuyết Phân tâm cổ điển thì một em bé mới sinh chỉ có cái Ấy. Trong đó, cái Ấy bao gồm tất cả những gì thuộc về bản năng của con người, chúng tồn tại ở cấp độ vô thức và chi phối hành vi. Cái Ấy có chức năng là duy trì cơ thể sống trong trạng thái thoải mái và hoạt  động  theo “nguyên lý khoái lạc”  nên nó đòi hỏi đem lại sự thoả mãn ngay lập tức. Vì vậy mà cái Ấy được xem như là “đứa con hư của nhân cách”. Cái Tôi được phát triển thông qua sự tương tác với môi trường, tồn tại chủ yếu ở cấp độ ý thức và một phần của vô thức. Cái Tôi vận hành theo “nguyên lý thực tế” và cố gắng kiềm chế sự đòi hỏi tự phát của cái Ấy và sự đòi hỏi nghiêm ngặt của cái Siêu Tôi. Có thể ví cái Tôi như một  ông quan toà “cầm cân nảy mực” thực hiện “quyền hành pháp” đối với nhân cách của mỗi cá nhân. Cái Siêu Tôi là những qui định về đạo đức, pháp luật… thông qua sự giáo dục của cha mẹ, thầy cô…và xã hội. Cái Siêu Tôi được hình thành thông qua quá trình thưởng và phạt. Nó tồn tại ở cả 3 cấp độ nhưng chủ yếu là vô thức. Cái Siêu Tôi luôn hướng đến sự hoàn hảo và  lý tưởng. Bản chất của cái Siêu Tôi là: lương tâm và cái Tôi lý tưởng. Freud nói về cái Tôi, cái Ấy và cái Siêu Tôi như 3 anh chàng be bé nhưng một anh thì đam mê và hư hỏng, một anh có lý trí và anh cuối cùng thì có đạo đức. Ba anh chàng be bé này thường xuyên bóp cổ nhau. Sự xung đột giữa cái Ấy và cái Siêu Tôi xảy ra nhưng cái Tôi không làm tròn vai trò của mình dẫn đến lo âu.
Một luận điểm quan trọng thứ hai của Sigmund Freud không thể không nhắc đến đó là các giai đoạn phát triển tâm sinh lý tính dục (psychosexual stages of development). Theo Freud, mọi đứa trẻ đều trải qua 5 giai đoạn phát triển tâm sinh lý tính dục. Đó là những giai đoạn: môi miệng, hậu môn, dương vật, ẩn tàng và giai đoạn sinh dục.
1. Giai đoạn môi miệng: kéo dài từ sơ sinh đến 1,5 tuổi. Ở giai đoạn này, khoái cảm mà đứa trẻ nhận được chủ yếu tập trung ở vùng miệng: môi, lưỡi… thông qua các hoạt động: bú, mút, nhai, nuốt, cắn. Quan sát những đứa trẻ này chúng ta có thể thấy chúng mút ngón tay, đầu chăn hay một số đồ chơi mềm. Đứa trẻ còn cảm nhận được sự hẫng hụt và lo hãi.
2. Giai đoạn hậu môn: kéo dài từ 1,5 - 3 tuổi. Khoái cảm mà đứa trẻ nhận được ở giai đoạn này tập trung chủ yếu ở vùng hậu môn. Quan sát những đứa trẻ ở giai đoạn này chúng ta sẽ thấy rằng sau khi đi tiêu chúng có hành vi nghịch với phân. Kiểm soát hoạt động đi vệ sinh quá nghiêm ngặt hoặc quá sớm sẽ phát sinh sự lo hãi ở trẻ, trẻ có thể có hiện tượng táo bón hay đi đại tiện vào những giờ không phù hợp.
3. Giai đoạn dương vật: Kéo dài từ 3 tuổi đến 6 tuổi. Ở giai đoạn này đứa trẻ nhận được khoái cảm thông qua sự tự kích thích vào cơ quan sinh dục của mình. Lo hãi bị thiến, sự ghen tị về dương vật và tiêu biểu nhất là phức cảm Ơđíp/Electra xuất hiện. Phức cảm Ơđíp có liên quan đến mong muốn gắn bó với mẹ chúng và thủ tiêu người cha của đứa bé trai. Phức cảm Electra  thì có liên quan đến ước muốn gắn bó với bố và thủ tiêu mẹ của đứa bé gái.
4. Giai đoạn ẩn tàng: Kéo dài từ 6-12 tuổi. Giai đoạn này tương đối êm ả. Trẻ quên đi các xung năng tính dục và thay vào đó là các hoạt động học tập và vui chơi. Trẻ thu hái những kỹ năng nhận thức và những giá trị văn hoá trong quá trình giao tiếp với các đối tượng khác như: bạn bè cùng trang lứa, thầy cô giáo, hàng xóm…
5. Giai đoạn sinh dục: Từ 12 tuổi đến trưởng thành. Xung năng tính dục bị dồn nén tái xuất hiện mãnh liệt do những biến đổi ở tuổi dậy thì. Đối tượng hướng đến của trẻ lúc này là một người cùng trang lứa khác giới. Tình dục lúc này mang tính sinh học là sinh sản và bảo tồn nòi giống. Tình yêu cũng trở nên vị tha hơn, trẻ ít quan tâm đến khoái cảm của cá nhân hơn các giai đoạn trước.
Freud cho rằng, việc xung đột giữa cái Ấy và cái Siêu Tôi xảy ra nhưng cái Tôi không làm tốt nhiệm vụ của mình hay khi bị người lớn kiểm soát hoạt động mút tay, việc đi vệ sinh quá nghiêm ngặt… qua các giai đoạn phát triển tâm sinh lý tính dục, việc chia tách trẻ ra khỏi mẹ và những sang chấn khác… sẽ làm nảy sinh lo âu. Chức năng của lo âu là cảnh báo với chúng ta rằng nếu như tiếp tục có những hành vi như thế nữa thì sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm. Theo Freud, giữa lo âu và những cơ chế phòng vệ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Ông cho rằng, “con người có xu hướng giảm sự căng thẳng để giảm cảm xúc lo âu. Lo âu là trạng thái khó chịu ở bên trong và khi đó thì con người tìm kiếm sự tránh né hay tìm cách thoát khỏi những lo âu đó. Con người tìm kiếm những cách để giảm lo âu thông qua các cơ chế phòng vệ. Những cơ chế phòng vệ có thể có lợi cho sức khoẻ về mặt tâm lý hay đó là sự thích nghi không tốt nhưng cả hai đều vì một mục đích là giảm sự căng thẳng…Freud đã chia sự lo âu ra làm ba loại chính:
Lo âu thực tế (Reality Anxiety): Đây là dạng cơ bản nhất, có nguồn gốc từ những vấn đề trong thực tế. Như sợ chó cắn, sợ một sự cố nào đó sắp xảy ra. Phương pháp làm giảm lo âu thường được sử dụng là tránh những tình huống có thể ảnh hưởng không tốt đến bản thân.
Lo âu loạn thần kinh chức năng (Neurotic Anxiety): Lo âu nảy sinh từ một nỗi sợ vô thức do những xung năng tính dục của cái Ấy sẽ nắm quyền kiểm soát. Dạng lo âu này là hệ quả của việc sợ hãi sẽ bị phạt vì đã bộc lộ những ham muốn của cái Ấy không thích hợp.
Lo âu lương tâm (Moral Anxiety): Là kết quả từ những sợ hãi việc làm trái với lương tâm hay chuẩn mực đạo đức của xã hội. Lo âu lương tâm xuất hiện khi chúng ta cảm thấy tội lỗi hay hổ thẹn.
Một khi một trong số các loại lo âu trên xuất hiện, tâm trí chúng ta sẽ phản ứng theo hai cách. Cách thứ nhất là chúng ta nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề. Cách thứ hai là phát sinh ra cơ chế phòng vệ. Cơ chế phòng vệ là những cách mà cái Tôi xây dựng để đối phó với cái Ấy và cái Siêu Tôi.
 Tất cả các cơ chế phòng vệ đều có hai đặc tính: Chúng có thể hoạt động ở cấp độ vô thức. Chúng có thể bóp méo sự thật, làm biến đổi hay làm sai lệch sự thật. Việc thay đổi nhận thức thực tế cho phép chúng ta giảm thiểu sự lo âu, giảm những căng thẳng về mặt tâm lý”.[72]
3.4 Một số cơ chế phòng vệ thường gặp:
-        Bù trừ (Compensation): Bù trừ là tiến trình chúng ta điều chỉnh một phần yếu kém của cơ thể bằng cách phát triển sức mạnh ở những phần khác. Ví dụ: Một người lùn che đậy yếu kém về mặt cơ thể của mình bằng cách học thật giỏi để mọi người chú ý đến yếu tố học giỏi mà không chú ý đến đặc điểm lùn hay một người mù có thể phát triển đặc biệt các năng khiếu thính giác. Ngoài ra còn có cơ chế bù trừ quá mức (overcompensation). Bù trừ quá mức là tiến trình hoán chuyển sự yếu kém thành một sức mạnh. “Các ví dụ điển hình như: Teddy Rososevelt vốn là một đứa trẻ ốm yếu nhưng đã trở thành một nhà thể thao ngoài trời giãi nắng dầm mưa. Demosthenes, một người vốn có tật nói lắp nhưng đã trở thành nhà hùng biện lớn”.[1;600]
-        Chuyển di/Chuyển dịch (Displacement): Là tiến trình dịch chuyển những cảm xúc (chủ yếu là cảm xúc thù địch, ghét bỏ hoặc là yêu thương) từ một đối tượng này sang một đối tượng khác an toàn hơn. Câu “giận cá chém thớt” mang nội dung ý nghĩa tương tự. Đây là cơ chế thường xảy ra trong tiến trình tham vấn, chính vì thế nhà tham vấn cần phải hiểu rõ cơ chế này để tránh những tổn thương không đáng có cho thân chủ và làm ảnh hưởng không tốt đến tiến trình tham vấn tâm lý. “Cơ chế chuyển dịch có thể xảy ra theo “kiểu phản ứng dây chuyền” (chain-reaction). Ví dụ: Người đàn ông giận dữ với ông chủ của mình nhưng anh ta không thể nói ra được những cảm xúc đó vì thế anh ta về nhà cáu ghắt và đánh vợ, người vợ bực bội lại đánh một trong những đứa con, đứa con tức quá đá con chó”[57]. S.Freud cho rằng, chuyển dịch đóng vai trò quan trọng và góp phần rất lớn cho sự phát triển của nhân loại vì chuyển dịch sẽ dẫn đến cơ chế thăng hoa. Ngoài ra còn có cơ chế phản chuyển dịch. Cơ chế phản chuyển dịch hay còn gọi là chuyển dịch ngược xuất hiện khi thân chủ dịch chuyển cảm xúc sang nhà tham vấn, nhà tham vấn cũng mang những cảm xúc riêng tư của mình nay lại gặp những cảm xúc do thân chủ dịch chuyển sang nhưng không làm chủ được nên đã đẩy những cảm xúc đó về lại phía thân chủ. Vì vậy, nhà tham vấn cần phải kiểm soát và làm chủ hoàn toàn cảm xúc của mình. Trong những trường hợp xảy ra chuyển dịch, tham vấn viên cần phải lắng nghe thân chủ để thân chủ có thể bộc lộ cảm xúc của mình một cách an toàn.
-        Chuyển dạng (Somatization): Chuyển dạng là tiến trình chuyển những lo âu về mặt tâm lý sang những triệu chứng về mặt thực thể. Những triệu chứng thường thấy có thể là: liệt, mù, điếc, câm hay có thể có những cơn co giật, mệt mỏi, đau đầu, căng cơ…Thân chủ thường cảm thấy mình bị đau ở một bộ phận nào đó mà không biết nguyên nhân xuất phát từ đâu, họ luôn rên rỉ, kêu ca, phàn nàn về nó nhưng khi khám về mặt thực thể thì không phát hiện ra bất cứ một loại bệnh nào. Cơ chế này thường được sử dụng hầu hết ở những thân chủ được chẩn đoán là rối loạn cơ thể hoá (Somatization Disorder).
-        Chia thành ngăn (Compartmentalization): “Là tiến trình chủ thể phân chia và chế ngự những ý nghĩ có xung đột với một ý nghĩ khác. Điều này xảy ra khi chúng ta có những niềm tin khác nhau và thậm chí là chúng ta có những xung đột về mặt giá trị. Ví dụ: Một người rất mộ đạo nhưng ông ta còn là một nhà khoa học luôn giữ trong mình những niềm tin đối lập nhau do có sự phân chia về mặt nhận thức khác nhau. Ở nhà thờ, ông có thể hoàn toàn tin vào những điều mê muội nhưng ở phòng thí nghiệm thì ông ta nghi vấn mọi thứ. Hay bà mẹ nói về đứa con của mình: “Ở trường con tôi là thiên thần nhưng ở nhà con tôi là ác quỷ”. Chia thành ngăn là quá trình xây dựng những bức tường để ngăn chặn những xung đột từ bên trong. Trong cuộc sống, tất cả mọi thứ chúng ta đều chia thành những ngăn, điều đó thể hiện rõ ở mỗi nơi chúng ta giao tiếp, hành xử với những giá trị, những tư cách và những cách thức khác nhau”.[52]
-        Dồn nén(Repression): “Dồn nén là tiến trình chủ thể đẩy những ý nghĩ vào cấp độ vô thức và ngăn chặn những những nỗi đau hay những ý nghĩ nguy hiểm quay lại cấp độ ý thức”.[57]
-        Đồng nhất hoá (Identification): Đồng nhất hoá là tiến trình chủ thể tiếp nhận từng phần hay toàn bộ những đặc điểm của người khác. Có thể đồng nhất hoá những đặc điểm bên ngoài như: quần áo và kiểu tóc. Đây là một trong những cơ chế quan trọng được Sigmund Freud đề cập trong học thuyết Phân tâm cổ điển. Theo Sigmund Freud, nhờ cơ chế đồng nhất hoá mà đứa trẻ ở giai đoạn dương vật sẽ vượt qua phức cảm Ơđíp hay phức cảm Electra và cũng nhờ cơ chế này mà đứa trẻ có thể nhập tâm (internalize) những gì mà trẻ cho là tích cực từ những người khác thành những cái của mình. Điều này góp phần rất lớn cho sự phát triển nhân cách của trẻ.
-        Đồng nhất xạ ảnh (Projective Identification):  Đồng nhất xạ ảnh (hay PI) là một cơ chế tâm lý được Melanie Klein giới thiệu trong thuyết Quan hệ với đối tượng (Object relation) vào năm 1946. Đồng nhất xạ ảnh được xem xét như một tiến trình tâm lý khi một người phóng chiếu một ý nghĩ, niềm tin hay cảm xúc đến một người thứ hai. Sau đó, người thứ hai bị thay đổi bởi sự phóng chiếu và bắt đầu có cách cư xử như những gì họ bị phóng chiếu. Đây là tiến trình hầu như xảy ra hoàn toàn ngoài cấp độ ý thức…[57] “Cô ta khiến tôi phải làm điều đó” là khẩu hiệu của cơ chế đồng nhất xạ ảnh.[73]
-        Cắm chốt (Fixation): Cắm chốt là qúa trình chủ thể không muốn dừng những hành vi mang lại cảm giác an toàn và cũng không muốn tiếp nhận những hành vi mới, bởi vì những hành vi mới có thể sẽ không tạo được sự an toàn cần thiết. Theo quan điểm của Freud về sự phát triển nhân cách một cách bình thường xuất hiện thông qua một chuỗi các giai đoạn phát triển về tâm sinh dục. Việc chuyển từ giai đoạn này sang một giai đoạn kế tiếp có mối quan hệ mật thiết với những thất bại và những lo âu. Nếu việc lo âu này ngày càng trở nên nghiêm trọng thì sự phát triển về mặt tâm lý tạm thời dừng lại. Bởi vì cá nhân đó cảm thấy sợ và lo lắng khi chuyển sang giai đoạn kế tiếp.
-        Giảm mục tiêu (Aim inhibition): “Thỉnh thoảng chúng ta có những ước muốn và những mục tiêu mà chúng ta tin và nhận ra rằng chúng ta không thể đạt được. Giảm mục tiêu là chúng ta hạ thấp hơn cái nhìn của chúng ta, giảm mục tiêu thấp xuống đến mức chúng ta có thể đạt được. Giảm mục tiêu có thể bao gồm các yếu tố như hợp lý hoá (rationalization) và chuyển dịch (displacement). Ví dụ một người ham muốn tình dục đối với người khác vì không thể đạt được ham muốn đó vì người đó đã có gia đình, bản thân họ nhận thức rằng họ chỉ muốn là bạn bè của nhau mà thôi. Muốn và không muốn là nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng, giảm mục tiêu sẽ giúp chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng hơn”.[52]
-        Giảm giá trị (Devaluation): Giảm giá trị là quá trình chủ thể quy cho bản thân hay người khác những đặc điểm tiêu cực hay những phẩm chất thấp kém. Điều này được thực hiện để phạt người bị giảm giá trị và làm giảm bớt những tác động và tầm quan trọng của người bị giảm giá trị.[72]
-        Hợp lý hoá (Rationalization): Hợp lý hoá hay còn gọi là giải thích hợp lý. Đây là một trong những cơ chế phòng vệ được Sigmund Freud đề cập đến trong học thuyết Phân tâm cổ điển. Theo Tâm lý học, đây là tiến trình chúng ta đưa ra những lời bào chữa sao cho phù hợp với những quyết định, những hành động hay những sự việc đã xảy ra. Tiến trình này có thể nằm hoàn toàn ở cấp độ ý thức. Tuy nhiên, tiến trình này còn có thể nằm hoàn toàn ở cấp độ tiền ý thức (preconciousness) khi chúng ta đưa ra một lời bào chữa để chống lại những cảm xúc tội lỗi xuất hiện ở bên trong (internal feelings of guilts).
-        Hài hước(Humor):  “Là quá trình chủ thể chỉ tập trung sự chú ý của bản thân vào những khía cạnh hài hước, của vấn đề để giảm bớt lo âu, căng thẳng”.[57] “Hài hước giúp chúng ta bộc lộ được những cảm xúc hay những ý nghĩ bị dồn nén. Chủ đề về hài hước chủ yếu là về: tình dục, đánh nhau và cái chết. Nếu bạn muốn biết điều gì bị dồn nén trong một con người hãy xác định xem anh ta hay chị ta tìm đến sự hài hước về chủ đề gì”.[21;22]
-        Lý tưởng hoá (Idealization): Lý tưởng hoá là một dạng của phủ nhận, đó là tiến trình chủ thể xem xét mọi việc hiện tại đều tốt đẹp để che giấu cảm xúc tiêu cực vốn có trong quan hệ với những người khác”.[57] Nói cách khác thì “lý tưởng hoá là tiến trình chủ thể đánh giá quá mức những gì mà mình đang ao ước và đánh giá thấp những điểm hạn chế về điều mà mình đang ao ước. Chúng ta còn có khuynh hướng lý tưởng hoá những điều mà chúng ta đã chọn hay những điều chúng ta đã đạt được. Đối lập với lý tưởng hoá là “quỷ dữ hoá” (Demonization), là bất kỳ những gì mà chúng ta không thích, không ao ước thì chúng ta phóng đại những điểm yếu và đó là những điểm để hạ thấp vấn đề. Ví dụ: Một người đã mua một vé đi nghỉ mát ở nước ngoài. Anh ta mơ về những điều tốt đẹp sẽ diễn ra như thế nào trong suốt kỳ nghĩ, nào là ở đó không có côn trùng, không nóng nực và không có trộm cướp. Hay tôi mua một chiếc xe hơi thể thao và tôi thán phục những đường nét bóng mượt và tôi lờ đi một điều rằng chiếc xe tôi mua tốn nhiều nhiên liệu và phần nào tôi cảm thấy không thoải mái. Lý tưởng hoá cho phép chúng ta củng cố thêm cho những quyết định của chúng ta là thông minh và sáng suốt. Vì thế chúng ta tân bốc những điều tốt mà chúng ta đã lựa chọn và hạ thấp những điều làm giảm đi giá trị của những quyết định đó. Chúng ta thường sử dụng cơ chế lý tưởng hoá để đối phó với những ý nghĩ trái ngược nhau đã làm cho chúng ta đưa ra một quyết định sai. Lý tưởng hoá còn giúp chúng ta cảm thấy tốt hơn khi chú ý đến những điểm mà chúng ta mơ ước”.[52]
-        Sự huỷ hoại (Undoing):  “Sự huỷ hoại là quá trình chủ thể cố gắng phá huỷ một điều không lành mạnh, những điều tiêu cực hay những ý nghĩ khác có thể đe dọa bằng cách ràng buộc trong những hành vi đối lập. Ví dụ: Sau khi nghĩ về việc sẽ hung dữ với người khác nhưng sau đó nghĩ lại thấy người này trước đây tốt bụng một cách quá mức hay sẵn sàng giúp đỡ mình... Một số người dùng sự huỷ hoại để giảm bớt sự mâu thuẩn trong nhận thức, cảm xúc không thoải mái được tạo ra khi một thái độ và một hành động hay cả hai thái độ có sự xung đột với nhau Đây là một trong những cơ chế phòng vệ nổi tiếng do Sigmund Freud phát hiện trong quá trình làm việc của ông, nhiều cơ chế khác sau này được Anna Freud phát triển và mở rộng”.[57]
-        Sự kiềm nén (Suppression): Tiến trình những suy nghĩ ở cấp độ ý thức được đẩy vào cấp độ tiền ý thức.[57]
-        Phủ nhận (Denial): “Cơ chế phủ nhận là tiến trình một người khăng khăng không chấp nhận một sự thật mà sự thật đó có bằng chứng xác thực. Phủ nhận có thể là phủ nhận thực tế tất cả những gì mình không hài lòng (simple denial), hay thừa nhận thực tế nhưng phủ nhận tính nghiêm trọng của nó  (minimisation) hay thừa nhận cả thực tế và tính nghiêm trọng nhưng phủ nhận trách nhiệm (tranference)... Lý thuyết về cơ chế phủ nhận được nghiên cứu một cách công phu bởi Anna Freud. Bà đã phân loại phủ nhận như một cơ chế phòng vệ của tâm trí chưa trưởng thành, bởi vì cơ chế này mâu thuẩn với khả năng học hỏi và đương đầu với thực tế của con người. Khi cơ chế phủ nhận xuất hiện ở một tâm trí trưởng thành nó thường liên quan đến cái chết của một ai đó, những người mắc các chứng bệnh nan y hay những người bị cưỡng hiếp. Trong những nghiên cứu gần đây khái niệm phủ nhận đã có những mở rộng đáng kể về phạm vi và cả tính thiết thực. Ví dụ như Elisabeth Kubler – Ross đã xem phủ nhận là giai đoạn phản ứng về mặt tâm lý đầu tiên trong năm giai đoạn của những bệnh nhân mắc bệnh nan y sắp chết (1. Phủ nhận, 2. Giận dữ, 3. Trầm cảm, 4. Mặc cả, 5. Chấp nhận) và xa hơn nữa, ý tưởng này đã được mở rộng thành sự phủ nhận của người sống sót trước tin một ai đó chết. Cơ chế phủ nhận rất dễ nhận biết nhưng đây cũng là cơ chế đã gây ra nhiều sự tranh cãi. Có những loại phủ nhận sau: Phủ nhận thực tế (Denial of fact): Loại phủ nhận này xuất hiện khi một người tránh né một sự thật bằng sự lừa dối. Những người sử dụng cơ chế phủ nhận bằng sự lừa dối để tránh né rằng những gì họ nghĩ có thể làm cho họ hoặc cho người khác đau đớn. Phủ nhận trách nhiệm (Denial of responsibility): Dạng phủ nhận này có liên quan đến trách nhiệm của một cá nhân trước những khiển trách, giảm đến mức tối thiểu hay bào chữa. Phủ nhận tác động (Denial of impact): Dạng phủ nhận này có liên quan đến việc một người tránh suy nghĩ hay tránh hiểu những tổn hại xảy ra có nguyên nhân từ bản thân họ hay từ những người khác. Bởi vì khi làm điều này, họ có thể tránh được những cảm xúc về cảm giác tội lỗi và điều này có thể làm cản trở sự hình thành lòng thương xót hay thấu cảm đối với người khác. Phủ nhận trách nhiệm làm giảm hay loại trừ cảm giác đau đớn hay tổn thương về những quyết định sai lầm. Phủ  nhận  nhận  thức (Denial of awareness): Đây là dạng phủ nhận gây ra nhiều sự tranh luận nhất bằng cách tìm kiếm khái niệm về  trạng thái phụ thuộc vào mức độ nhận thức. Người sử dụng loại phủ nhận này sẽ tránh được sự đau đớn hay tổn thương bằng cách đỗ lỗi cho trạng thái nhận thức khác của mình lúc đó. Ví dụ như: say rượu, say thuốc hay có liên quan đến sức khoẻ tâm thần…”.[57]
-        Phản ứng ngược (Reaction Formation/ Reaction conversion): “Phản ứng ngược là quá trình chủ thể dồn nén những suy nghĩ, những cảm xúc khó chịu vào bên trong và thể hiện ra bên ngoài bằng cảm xúc đối lập. Tại sao chúng ta có hành vi này? Sigmund Freud cho rằng, chúng ta sử dụng cơ chế phản ứng ngược để che giấu những cảm xúc thực và chúng ta mong người khác đối xử với chúng ta như những gì chúng ta thể hiện”.[57] Quan sát lâm sàng cho thấy hầu hết thân chủ sử dụng cơ chế này thường không muốn người khác buồn, tổn thương vì vấn đề của họ, nụ cười của họ là biểu hiện rõ nhất. Cơ chế này thường là đặc điểm của rối loạn thần kinh chức năng kiểu ám ảnh. Khi cơ chế này bị lạm dụng quá mức, đặc biệt là trong suốt thời gian hình thành cái Tôi thì điều này có thể trở thành một nét tính cách ổn định của cá nhân. Cơ chế này thường đi kèm với đặc điểm ám ảnh và những rối loạn nhân cách ám ảnh.”[57]
-        Phóng chiếu (Projection): “Phóng chiếu là tiến trình chủ thể gán cho một đối tượng khác những ý nghĩ, những cảm xúc mà bản thân chủ thể không thể chấp nhận hay không muốn. Phóng chiếu có tác dụng làm giảm lo âu, cho phép chủ thể bộc lộ những xung động hay những ước muốn nhưng cái Tôi không nhận ra điều đó”.[57] “Đây là cơ chế đối lập với cơ chế đổng nhất hoá (identification). Phóng chiếu bao gồm hai yếu tố: thứ nhất chủ thể sẽ không nhận biết được một đặc điểm về chính bản thân mình. Thứ hai, chủ thể quy cho một người khác có đặc điểm đó. Thay vì nói: “Tôi ghét mẹ tôi” thì cá nhân sử dụng cơ chế phóng chiếu  nói rằng: “Mẹ tôi ghét tôi”. Phóng chiếu là một cơ chế phòng vệ thường hay được sử dụng nhiều nhất, khi đó chủ thể muốn cố gắng nâng cao lòng tự trọng của họ. Một người cố gắng đưa ra những cái nhìn tích cực về bản thân tại cùng lúc đó lại đánh giá thấp những người khác.[27;34]
-        Phân ly (Dissociation): Phân ly là một trạng thái tâm lý khi những suy nghĩ, cảm xúc, những cảm giác hay những kí ức được phân tách ra thành những phần khác nhau của tinh thần. Với nghĩa này thỉnh thoảng phân ly được xem như “sự tách đôi”(splitting). Nhà Tâm thần học người Pháp Pierre Janet (1861-1947) đã đề cập đến dạng cơ chế này trong cuốn sách L’ Automatisme Psycholoique, ông nhấn mạnh vai trò của nó như là sự phản ứng phòng vệ với những tổn thương về mặt tâm lý. Mặc dù ông xem xét phân ly là một tác động của cơ chế phòng vệ dẫn đến sự rút lui về mặt tâm lý của một cá nhân trước những sự kiện tràn ngập những tổn thương, tuy nhiên ông còn nâng phân ly lên thành một bệnh về tâm lý. Sổ tay thống kê và chẩn đoán rút gọn các rối loạn tâm thần của Hội tâm thần học Hoa Kỳ, xuất bản lần thứ 4 (DSM-IV) xem xét những triệu chứng như: mất nhân cách, tri giác sai thực tại và những chứng quên bắt nguồn từ tâm lý có thể trở thành những dấu hiệu chính của Rối loạn phân ly (Dissociation Disorder)… Phân ly được xem là một đặc điểm lâm sàng mới trong những năm gần đây và được xem là yếu tố đi kèm với rối loạn Stress sau chấn thương và những nghiên cứu đã chứng minh mối liên hệ này. Cơ chế phân ly rất giống với cơ chế chia thành ngăn (compartmentalization).[57]
-        Tách đôi  (Splitting):  “Là quá trình chủ thể nhìn nhận sự việc hay con người ở thế giới bên ngoài theo chiều hướng “tất cả đều tốt đẹp” hay “tất cả đều  xấu” hoặc  thấy cuộc đời này toàn màu hồng hay cuộc đời này toàn màu đen”.[57]
-        Tưởng tượng (Fantasy): Là quá trình chủ thể cố gắng điều khiển những vấn đề không thể đạt được ở thế giới thực bằng cách mơ mộng hay giải quyết vấn đề trong một thế giới ảo.
-        Thăng hoa (Sublimation): Freud cho rằng thăng hoa là qúa trình chủ thể chuyển những xung động mang tính bản năng không thoả mãn trực tiếp hay không được xã hội chấp nhận sang những hoạt động được xã hội chấp nhận hay đề cao. Theo S. Freud thì năng lượng tính dục không được thoả mãn khi được thăng hoa có thể tạo ra những tác phẩm lớn.
-        Thoái lùi/thoái bộ (Regression): “Thoái lùi/thoái bộ là quá trình chủ thể quay trở lại một giai đọan phát triển trước đó thay vì phải chuyển sang giai đọan tiếp theo. Vấn đề này thường xuất hiện khi một người phải đương đầu với những đe doạ. Trẻ em có thể  trở lại với những hành vi của thời ẵm bồng khi chúng cảm thấy bị đe doạ về sự mất mác tình thương yêu. Người lớn có thể rút lui khỏi những hoạt động tình dục với người khác giới bởi vì họ cảm thấy họ không trưởng thành về mặt tâm lý và rút lui khỏi những hoạt động đó để tránh tình huống gây ra sự lo âu. Thông thường thì điều này dẫn đến quyết định thoái lùi về một giai đoạn phát triển mà trước đây họ đã trải qua. Việc thoái lùi cũng có mức độ nhất định và việc thoái lùi về một giai đoạn phát triển không có nghĩ là thoái lùi hoàn toàn.[27;34]
-        Trí thức hoá (Intellectualization):Trí thức hoá là quá trình chủ thể tách cảm xúc của bản thân ra khỏi một vấn đề nào đó và tập trung vào vấn đề đó thay vì là tập trung vào thực tế. Trí thứ hoá bảo vệ bản thân chống lại sự lo âu bằng cách ngăn chặn những cảm xúc có liên quan đến vấn đề mà chúng ta đang đối mặt. Ví dụ: Một người vợ nhận được tin rằng chồng mình sắp chết vì một căn bệnh ung thư. Cô ta có thể học tất cả mọi thứ về căn bệnh này như vấn đề tiên lượng bệnh, điều trị bệnh như thế nào để tìm cách giúp người chồng sắp chết. Điều đó sẽ giúp cô ta ngăn chặn được sự tấn công dữ dội của cảm xúc mất mác, giận dữ từ sự kiện cô ta sắp mất người mà mình thương yêu nhất. Freud cho rằng, trí nhớ có thể tồn tại ở hai cấp độ: ý thức và tiền ý thức. Trí thức hoá có thể cho phép sự phân tích của ý thức có thể chọn lọc những thông tin không gây lo âu về sự kiện đó.[72]
-        Tránh né (Avoidance): Tránh né là quá trình chủ thể tìm những cách để tránh đối mặt với những tình huống, những vấn đề và những hoạt động mang lại cảm giác không thoải mái. Tránh né có thể bao gồm việc chúng ta tránh khỏi những tình huống gây ra sự căng thẳng. Ngoài ra tránh né còn được thể hiện ở việc tránh thảo luận hay thậm chí là tránh suy nghĩ về những chủ đề mà mình muốn tránh né. Ví dụ: Tôi không thích những người khác tại công sở. Tôi tránh việc đi ngang qua bàn của họ, khi mọi người nói về họ tôi không nói gì. Tránh né là cách đơn giản để đối phó với tình huống mà chúng ta không muốn đương đầu với nó. Khi cảm giác không thoải mái xuất hiện, chúng ta tìm cách tránh việc trải nghiệm chúng. Tránh né là cơ chế phòng vệ thường thấy ở các thân chủ có rối loạn ám sợ (Phobia disoder) ám sợ. Trì hoãn là một dạng của tránh né. Chúng ta hoãn lại ngày mai những gì hôm nay chúng ta tránh né”.[52] Cơ chế tránh né thường được thân chủ sử dụng trong giai đoạn đầu của tiến trình tham vấn vì ở giai đoạn này mối quan hệ giữa tham vấn mới bắt đầu nên có thể thân chủ chưa tin tưởng. Đặc biệt là những vấn đề của thân chủ có liên quan đến yếu tố tình dục thì cơ chế tránh né thường thể hiện khá rõ. Thân chủ sẽ dẫn dắt nhà tham vấn đi lòng vòng bởi những vấn đề khác mà không tập trung vào vấn đề chính cho đến khi nào mối quan hệ tin tưởng được xác lập.
-        Vị tha (Altruism): “Là quá trình chủ thể thoả mãn những nhu cầu bên trong bằng cách giúp đỡ người khác”.[57]
-        Gây hấn thụ động (Passive aggression):  Là quá trình chủ thể thể hiện cảm xúc giận dữ một cách gián tiếp. Gây hấn thụ động thường xảy ra khi một người bị bắt buộc làm điều gì. Họ làm nhưng giận dữ vì họ không thích hay không hài lòng khi làm việc đó, sự giận dữ được thể hiện qua hành vi, cử chỉ hay sự chống đối ngầm với đối tượng. Cơ chế này thường xảy ra trong mối quan hệ giữa cấp dưới và cấp trên trong công việc.
-        …vv
3.5 Sự xuất hiện cơ chế phòng vệ trong tiến trình tham vấn tâm lý.
“Thông thường ở giai đoạn ấu nhi đến khoảng 5 tuổi con người có thể nhận được những điều mà chúng ta gọi là những sự tổn thương của cái Tôi hoặc những tổn thương đầu tiên. Những tổn thương này có thể được trải nghiệm như việc bị từ chối, bỏ rơi, chỉ trích khắc nghiệt, lạm dụng thể xác, tinh thần hay đơn giản hơn là sự so sánh với những anh chị em khác… Tất cả mọi người đều cố gắng ngăn cản việc phải nhận những tổn thương như vậy thêm một lần nữa. Vì vậy họ tạo ra những cơ chế phòng vệ để bảo vệ chính mình. Có thể họ sẽ tránh né, từ chối những trải nghiệm không hài lòng, dồn nén những cảm giác không thoải mái hoặc bị đe doạ mà không thể bộc lộ hay thể hiện ra những cảm xúc thật mà họ cảm nhận. Phủ nhận, phản ứng ngược, phóng chiếu, giải thích hợp lý…là cơ chế phòng vệ được thiết lập từ rất sớm và nó trở thành một phần của nhân cách.
Khi lớn lên, thân chủ phải nhận ra rằng trẻ em không phải chịu trách nhiệm cho những tổn thương đầu tiên của họ. Nghĩa là những điều tồi tệ, những kinh nghiệm đau thương thân mà chủ đã trải nghiệm ở thời thơ ấu không phải do họ gây nên  hay do bản thân họ xấu xa, tồi tệ hay do phạm phải những lỗi lầm nên bị trừng phạt như vậy. Bởi vì trẻ em họ phải lệ thuộc hoàn toàn vào người lớn trong việc chăm sóc và bảo vệ cho cuộc sống của chúng. Nếu không hiểu được điều đó thân chủ vẫn tiếp tục sử dụng thường xuyên những cơ chế phòng vệ mà khi bé vẫn hay sử dụng, đến mức những cơ chế phòng vệ trở thành một phần của nhân cách. Vấn đề bắt đầu xuất hiện khi những tổn thương đầu tiên lúc này sẽ dễ dàng trở thành những tổn thương thứ hai với cấu trúc nhân cách đó. Những cơ chế phòng vệ được xem là có ích cho việc bảo vệ thân chủ khi còn bé, nhưng bây giờ nó lại rối nhiễu những mối quan hệ trong công việc cũng như trong những quan hệ thân mật của thân chủ khi đã trưởng thành”.[30]
Có thể khẳng định rằng, cơ chế phòng vệ được thân chủ trải nghiệm từ rất sớm chứ không phải trong tiến trình tham vấn tâm lý mới xuất hiện cơ chế phòng vệ. Thông qua môi trường sống của thân chủ, đặc biệt là môi trường gia đình và các mối quan hệ phần nào cũng đã hình thành cơ chế phòng vệ. Nhưng khi mối quan hệ tham vấn được thiết lập và tiến trình tham vấn được bắt đầu thì thân chủ đã mang cả cơ chế phòng vệ vào tiến trình này mà không hay biết rằng mình đang có sự phòng vệ. Sự xuất hiện của loại cơ chế phòng vệ này việc phá vỡ nó tương đối thuận lợi nếu như có sự hợp tác tích cực từ phía thân chủ. Tham vấn viên chỉ thực hiện bước giúp thân chủ nhận ra họ đang có sự phòng vệ và phá vỡ điều đó thì vấn đề của họ sẽ được giải quyết. Ví dụ: Một thân chủ đến tham vấn, sau khi tìm hiểu ta biết rằng cơ chế phòng vệ duy trì rối loạn trầm cảm của anh ta là “dồn nén” và giúp anh ta phá vỡ sự “dồn nén” đó thì vấn đề sẽ được giải quyết.
Ngoài ra, sự phòng vệ của thân chủ còn thể hiện một thông điệp rất quan trọng, có thể mối quan hệ tham vấn đã thiết lập chưa thật sự tạo được sự tin tưởng cho thân chủ hay thân chủ chưa có đủ sức mạnh nội lực để đối phó với vấn đề sắp xảy ra. Vì vậy, thân chủ chưa cảm thấy an toàn để nói ra vấn đề của họ. Điều này dẫn đến việc thân chủ sử dụng cơ chế phòng vệ tránh né (Avoidant), Freud gọi đây là sự chống đối (Ressistant) trong quá trình tham vấn/trị liệu. Nếu trường hợp này xảy ra, thân chủ có những biểu hiện rất rõ về sự né tránh như: “Thân chủ quên buổi hẹn với nhà tham vấn hoặc là đến tham vấn nhưng đến trễ, thân chủ thường xuyên hoãn lại buổi làm việc, hay họ nói rằng họ có khó khăn về mặt thời gian trong quá trình tham vấn, hoặc thân chủ cảm thấy khó khăn khi làm một cam kết cho những buổi tham vấn tiếp theo”.[23;65] Một biểu hiện không kém phần quan trọng nữa đó là việc thân chủ liên tục có những câu trả lời theo kiểu “không biết”, “không nhớ” khi được tham vấn viên hỏi. Trong những trường hợp này việc phá vỡ cơ chế phòng vệ trở nên khá phức tạp. Có hai trường hợp, trường hợp 1: Thân chủ biết rằng mình đang có sự phòng vệ, vì mức độ tin cậy trong mối quan hệ với tham vấn viên chưa cao hay thân chủ cảm thấy họ chưa đủ sức mạnh nội lực để đương đầu với những gì sắp diễn ra thì việc tiếp tục xây dựng mối quan hệ tin cậy trong tham vấn và phát huy sức mạnh nội lực/tiềm năng sẽ giúp thân chủ phá vỡ cơ chế phòng vệ này, có nghĩa là sau một thời gian khá dài thân chủ dẫn nhà tham vấn đi lòng vòng ở những vấn đề ngoài rìa đến một lúc nào đó họ im lặng và  bắt  đầu bộc lộ hết vấn đề của mình. Trường hợp 2: một số thân chủ thật sự không biết rằng mình đang phòng vệ, họ vẫn thể hiện sự hợp tác trong tham vấn qua việc đến đúng hẹn, rất kiên trì, họ thấy vấn đề của mình tiến triển chậm đôi khi là “dậm chân tại chỗ” nhưng họ vẫn theo đuổi tiến trình tham vấn nhưng khi đề cập đến một số vấn đề thì họ nói rằng “không nhớ, không biết”. Đây là những trường hợp rất khó phá vỡ cơ chế phòng vệ của thân chủ và trong những trường hợp này tham vấn viên phải chờ đợi, không nên bực bội, khó chịu hay thúc đẩy, dồn ép thân chủ theo những suy đoán mang tính chủ quan của cá nhân vì điều đó có thể làm tổn thương đến họ và có thể tiến trình tham vấn sẽ bị giáng đoạn.
Tóm lại, sự xuất hiện của cơ chế phòng vệ trong tiến trình tham vấn tâm lý có thể chia ra làm 2 trường hợp cụ thể: Trường hợp 1, thân chủ có sự phòng vệ và họ biết họ đang có sự phòng vệ nhưng thân chủ không biết rằng nó ảnh hưởng đến vấn đề của mình. Trường hợp 2: Thân chủ có sự phòng vệ nhưng không biết mình đang phòng vệ. Hầu hết sự xuất hiện cơ chế phòng vệ trong tiến trình tham vấn tâm lý có nguyên nhân xuất phát từ những trải nghiệm trong quá khứ của thân chủ, từ việc thiếu sức mạnh nội lực ở bản thân thân chủ và từ mối quan hệ tin cậy trong tham vấn chưa thật sự được thiết lập. Theo Sigmund Freud, vấn đề tính dục thường có mối liên hệ với việc sử dụng cơ chế phòng vệ của thân chủ.
3.6 Ý nghĩa việc phá vỡ cơ chế phòng vệ trong tiến trình tham vấn tâm lý.
Thân chủ tìm đến nhà tham vấn và cần sự trợ giúp nhưng có thể vì chưa tin tưởng nhà tham vấn nên thân chủ có sự phòng vệ. Thân chủ chưa tin tưởng bởi vì trong họ luôn lo lắng rằng, mọi người đánh giá như thế nào khi họ nói ra toàn bộ sự thật, thân chủ sợ mọi người không tôn trọng mình, chê bai và sợ cả việc phải đối mặt với những vấn đề mà bản thân mình cảm thấy khó chấp nhận. Freud cho rằng, thân chủ sẽ phát triển những cơ chế phòng vệ và các biện pháp chống đối khi những gì tham vấn viên đề cập đang tiến gần hơn đến vấn đề của họ. “Mỗi khi chúng ta trị bệnh cho một người nào, người đó chống cự lại rất dữ dội trong suốt thời kỳ điều trị. Câu chuyện khó tin nhưng có thực. Nếu chúng ta không nói điều đó cho gia đình người bệnh biết, họ sẽ cho rằng ta muốn kéo dài thời kỳ trị bệnh ra. Chính người bệnh chống cự lại rất dữ dội tuy không biết là mình chống cự và khi chúng ta làm sao để người bệnh nhận ra là họ chống cự lại chúng ta tức là chúng ta đã thành công quá lớn.[19;318] Chống đối là tín hiệu cho tham vấn viên biết rằng vấn đề đã đi đúng hướng và thân chủ đang cố lẫn tránh. Vì thế, việc tạo niềm tin cho thân chủ là một trong những yếu tố ban đầu góp phần phá vỡ cơ chế phòng vệ. Trong những trường hợp trên, tham vấn viên cần thể hiện sự lắng nghe, chia sẽ những cảm xúc và nguyên tắc làm việc, thấu cảm chân thành, sự chấp nhận vô điều kiện… để thân chủ có thể cảm thấy an toàn và tin tưởng trong mối quan hệ chuyên nghiệp này.
Sigmund Freud cho rằng, dù các cơ chế phòng vệ diễn ra trong hành vi bình thường của con người thì chúng cũng ngăn trở khả năng của con người ứng phó với việc giải quyết các vấn đề vô thức. Vì thế tham vấn viên phải biết những cách thức trong đó các cơ chế này ngăn cản thân chủ ứng phó trực tiếp với các vấn đề của mình để phá bỏ chúng, tạo điều kiện cho tiến trình thay đổi và trưởng thành của thân chủ.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Uyên Thy (Giảng viên khoa Tâm lý-Giáo dục, Trường Đại Học Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: “Phá vỡ cơ chế phòng vệ của thân chủ là công việc vô cùng quan trọng trong tiến trình tham vấn tâm lý. Nếu thành công, nó giúp tiến trình tham vấn nhảy một bước rất xa: thân chủ bắt đầu đặt bước chân vào ngưỡng cửa của giai đoạn hồi phục. Mặt khác, phá vỡ được cơ chế phòng vệ sẽ bảo đảm cho quá trình hồi phục bền vững hơn, khả năng tái phát thấp hơn. Tuy nhiên, để làm được điều này, nhà tham vấn phải cảm nhận thật sâu sắc những gì đang diễn ra ở thân chủ, phải thiết lập được mối quan hệ tin tưởng với thân chủ, phải linh hoạt, chuyên nghiệp để giúp thân chủ tự ý thức được cơ chế phòng vệ họ đang sử dụng và những hậu quả của nó, từ đó, dần dần thay đổi hành vi, thiết lập khuôn mẫu ứng xử mới để trở về tình trạng khỏe mạnh. Nếu không thật khéo léo, hoặc đi quá nhanh và can thiệp thô bạo, nhà tham vấn sẽ phá vỡ hoàn toàn cái tôi của họ hoặc khiến cho cơ chế phòng vệ ấy càng thêm vững chắc, gây bất lợi cho tiến trình tham vấn. Vì vậy, có thể xem phá vỡ cơ chế phòng vệ không chỉ là bước ngoặt trong tiến trình tham vấn tâm lý mà còn biểu hiện tài năng của nhà tham vấn”.
Cơ chế phòng vệ này không chỉ hữu ích với phương pháp tiếp cận thân chủ theo trường phái Phân tâm học mà còn rất hữu ích trong công tác tham vấn nói chung. Tham vấn viên phải hiểu rõ về các cơ chế này một mặt để phá vỡ cơ chế phòng vệ với thân chủ, mặt khác để cho bản thân không phòng vệ với thân chủ, từ đó mới tạo được mối quan hệ tin cậy, làm tiền đề thuận lợi cho tiến trình tham vấn tâm lý.
3.7 Cơ  chế phòng vệ dồn nén.
Dồn nén là tiến trình chúng ta chuyển những ý nghĩ, những cảm xúc (thường là những cảm xúc tiêu cực) không thể nói ra được hay những ham muốn (thường là những ham muốn về tình dục) không thể thoả mãn được vào bên trong và nén lại. Theo Phân tâm học thì đó là quá trình dịch chuyển những cảm xúc hay những ham muốn từ cấp độ ý thức xuống cấp độ vô thức.
“Dồn nén có thể tác động tích cực đến sự phát triển nhân cách của trẻ khi nó giúp trẻ nhận thức được những gì thuộc về bản thân chúng và những gì không thuộc về chúng, những gì tốt và những gì là xấu. Với nội dung này thì dồn nén có thể được chia làm 2 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, trẻ học được những gì đem lại sự hài lòng và không hài lòng, những gì chúng có thể kiểm soát và những gì chúng không được quyền kiểm soát. Cuối giai đoạn này, đứa trẻ có thể phân biệt được những ham muốn, những sợ hãi của bản thân và của người khác. Ở giai đoạn tiếp theo đứa trẻ nhận thức được rằng những hành động nào sẽ dẫn đến sự lo lắng. Ví dụ: Trẻ muốn bú mẹ nhưng bị từ chối và trẻ cảm thấy bị đe doạ bởi những hình phạt. Sự lo lắng này dẫn đến đứa trẻ dồn nén ước muốn được bú mẹ. Việc đe doạ là bị phạt có liên quan với sự lo lắng này cho đến khi điều này được nhập tâm hoá (internalization) và trở thành một yếu tố của cái Siêu Tôi.[57]
Tuy nhiên, một khi chọn cách dồn nén để đối phó với vấn đề chủ thể thường cảm thấy khó chịu, bực bội hay cáu gắt và những người khác thì cảm thấy khó gần gũi…đặc biệt những cảm xúc giận dữ bị dồn nén sẽ đem lại những hệ quả không tốt cho chủ thể. Dồn nén trở nên bất bình thường và mang tính bệnh lý khi chúng được sử dụng quá mức và điều đó ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi và tình trạng sức khoẻ cũng như hoạt động nghề nghiệp và xã hội của thân chủ.
Ở Việt Nam, Phật giáo và Nho giáo ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hoá tinh thần của người dân. Ông cha ta quan niệm rằng “một sự nhịn là chín sự lành” và có thể chính yếu tố này đã dẫn đến việc chúng ta sử dụng quá nhiều cơ chế phòng vệ dồn nén. Theo quan niệm của chúng ta, sự im lặng, vâng lời, không cãi lại là ngoan ngoãn nhưng “phải chăng sự “khoẻ mạnh” hay “bình thường” của trẻ em Việt Nam là sự vâng lời tuyệt đối, luôn phục tùng cha mẹ, thầy cô giáo và những người lớn khác, hay có thể sẽ tốt hơn, tích cực hơn cho những đứa trẻ này là chúng cần được học để biết làm thế nào để có thể biểu lộ một cách trung thực những cảm xúc thật của chúng mà không phải sợ bị trả thù? Khi một người cha Việt Nam về nhà trễ, có thể là đã say xỉn và không kiểm soát được nữa và ông ta đánh những người trong gia đình, vậy có đúng không nếu những đứa trẻ đó phải phục tùng người cha và chấp nhận như vậy hay là chúng sẽ phải tìm kiếm sự giúp đỡ, hay người mẹ sẽ phải rời gia đình cùng với những đứa con hay bà ta có thể rời khỏi gia đình và nhận sự cứu trợ về kinh tế? Một người mẹ Việt Nam có thể hành hạ về mặc tinh thần một cách liên tục đối với đứa con của mình bằng những đánh giá khắc nghiệt hoặc là buộc chúng phải đạt được những thành quả về mặc học tập một cách không thực tế bất chấp những hậu quả nghiêm trọng của nó”.[41]
 “Ở phương Tây, một cá nhân “khoẻ mạnh” là một người có thể bộc lộ tất cả những cảm xúc của mình một cách có hệ thống và an toàn. Điều này có nghĩa là, sự bộc lộ cảm xúc của cá nhân và sự cá biệt hoá là những điều đầu tiên để thể hiện sức khỏe tâm thần. Ở Việt Nam, có một sự khác biệt rõ rệt trong cách nhìn về những hành vi “khoẻ mạnh” hay “bình thường” so với phương Tây…Ví dụ: Cách bộc lộ cảm xúc một cách công khai hay thể hiện sự giận dữ được xem là sẽ làm mất lòng người khác và không được chấp nhận trong nền văn hoá này. Như vậy, thay vì biểu lộ chúng ta đã tìm cách dồn nén chúng. Những cảm xúc tiêu cực này không có chỗ nào để tồn tại và tất cả các cảm cảm xúc buồn, tội lỗi và thậm chí là cả những cơn thịnh nộ đều được hướng vào bên trong. Thông thường cách làm này dễ dẫn đến lo âu và trầm cảm”.[41]
Có thể nói, đây là cơ chế phòng vệ được thân chủ ở Việt Nam sử dụng khá phổ biến và thường để lại kết quả không tốt. Chính vì vậy, việc phá vỡ cơ chế phòng vệ dồn nén khi thân chủ sử dụng chúng một cách thái quá là điều cần thiết và chính điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình tham vấn tâm lý.
3.8 Chu trình phá vỡ cơ chế phòng vệ dồn nén.
Bước 1: Thiết lập mối quan hệ tin cậy trong tham vấn
Có thể nói, “vấn đề thiết lập mối quan hệ tin tưởng giữa tham vấn viên và thân chủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng…và trong thực tế thì tham vấn viên sử dụng việc thiết lập mối quan hệ như một kỹ thuật trong tham vấn. Bởi vì, tham vấn là một tiến trình thiết lập mối quan hệ hợp tác và sau đó sử dụng mối quan hệ vừa thiết lập để giúp thân chủ…Vậy, mối quan hệ trong tham vấn khác những mối quan hệ khác như thế nào?
 Patterson (1969) cho rằng, tham vấn là một một mối quan hệ có sự gán ghép đặc biệt theo những nguyên tắc một mối quan hệ tốt của con người và giải thích vì sao mối quan hệ này có tầm quan trọng đến như vậy. Thứ nhất, Patterson cho rằng mối quan hệ tham vấn được thiết lập và sau đó tiếp tục bởi vì thân chủ có nhu cầu cần sự giúp đỡ đặc biệt với vấn đề của họ vì vấn đề đó bản thân họ hay thông qua những mối quan hệ khác cố gắng giải quyết nhưng họ đã không giải quyết được. Vì thế cần tập trung vào những ước muốn của thân chủ và đặc biệt là phải quan tâm đến những cảm xúc không hài lòng của họ. Mặc dầu bạn bè rất có ích cho mọi người khi cần sự giúp đỡ nhưng họ không đủ khả năng làm tăng lòng tự trọng của thân chủ hay giải quyết những vấn đề này. Thứ hai, hình thức và cấu trúc mối quan hệ tham vấn sẽ không được tiếp tục duy trì trong xã hội thông thường sau khi kết thúc tiến trình tham vấn vì nó mang những đặc trưng riêng về sự sắp xếp, đặc biệt là thời gian, đời tư, và sự tin cậy. Thứ ba, mối quan hệ trong tham vấn được giới hạn bởi thời gian tham vấn. Mặc dù trên thực thực tế thì vấn đề này cũng có những khó khăn khi thân chủ xem tham vấn viên như một tác nhân sẽ giúp họ có những thay đổi. Mối quan hệ tham vấn thường không được phát triển vượt quá khuôn khổ của mối quan hệ chuyên nghiệp. Tham vấn viên có thể gặp thân chủ ở một nơi khác như ở cơ quan chẳng hạn nhưng phải giữ nguyên tắc của tham vấn. Thứ tư, mặc dầu mối quan hệ tham vấn được giới hạn về mặt thời gian nhưng nó là mối quan hệ gần gũi hơn, thân tình hơn những mối quan hệ bạn bè trong xã hội. Mối quan hệ này thiết lập hoàn toàn không có sự đe doạ. Bầu không khí có thể cho phép thân chủ bộc lộ và khám phá bản thân để tham vấn viên có thể biết được thân chủ đã tốt lên ở những điểm nào. Thứ năm, mối quan hệ tham vấn có tác động mạnh và vì thế nó tác động đến thân chủ bởi vì những nguyên tắc của một mối quan hệ tốt được sử dụng một cách có ý thức và hoàn toàn không vô vị như những tương tác khác trong xã hội. Mối quan hệ tham vấn có thể phát triển nhanh chóng  và tập trung vào những vấn đề chính”.[27; 200]
Vì vậy, việc thiết lập mối quan hệ tin cậy trong tham vấn về cơ bản đã phá vỡ phần nào sự phòng vệ của thân chủ. Vậy làm thế nào để thiết lập mối quan hệ tin cậy trong tham vấn? Vấn đề này phụ thuộc rất lớn vào tham vấn viên. Thân chủ phải nhận thấy rằng họ được lắng nghe, được tôn trọng, được cảm thông, chia sẻ và được chấp nhận, không bị đánh giá, phán xét theo quan điểm đạo đức, đúng sai, không chỉ trích…Đó là những điều kiện cơ bản cho việc thiết lập một mối quan hệ tin cậy trong tham vấn. Có thể nói, đây là bước căn bản nhất trong việc phá vỡ bất kỳ một cơ chế phòng vệ nào.
Bước 2: Xác định cơ chế phòng vệ mà thân chủ đang sử dụng
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Uyên Thy (Giảng viên khoa Tâm lý-Giáo dục, Trường Đại Học Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh): “Để phá vỡ được cơ chế phòng vệ của thân chủ thì trước hết, phải phát hiện ra thân chủ hiện đang sử dụng cơ chế phòng vệ gì. Bởi lẽ nó chính là nguyên nhân dẫn đến các rối nhiễu tâm lý nơi thân chủ. Một khi nhà tham vấn phát hiện ra cơ chế phòng vệ mà thân chủ đang sử dụng thì có nghĩa là nhà tham vấn đã đi được vào ngóc ngách của thế giới bên trong của thân chủ, đã tiếp cận được tầng sâu của vô thức và như thế, đã đi được 1/2 chặng đường của tiến trình tham vấn”. Mỗi cơ chế phòng vệ có những biểu hiện khác nhau, chúng xuất hiện trong những tình huống khác nhau và chính vì thế mà cách phá vỡ chúng cũng có những cách thức, phương pháp khác nhau. Điều đó cho chúng ta thấy rằng việc xác định cơ chế phòng vệ một cách chính xác cũng đóng vai trò quan trọng.
 Hiện nay, trên thế giới đã có một số Test để kiểm tra cơ chế phòng vệ của thân chủ. Ở Việt Nam, hiện tại chưa có một loại Test nào để xác định vấn đề này. Hầu hết việc xác định cơ chế phòng vệ của thân chủ chỉ được thực hiện qua cuộc trò chuyện và quan sát lâm sàng. Vì thế, để xác định cơ chế phòng vệ một cách chính xác cần phải có sự quan sát và lắng nghe tỉ mỉ thông qua thái độ, suy nghĩ, cử chỉ và hành vi của thân chủ trong mối tương quan với vấn đề của họ và tham vấn viên phải đối chiếu với những đặc điểm của từng cơ chế phòng vệ về mặt lý thuyết.
Tuy nhiên, thân chủ không sử dụng đơn độc một cơ chế phòng vệ mà là sử dụng nhiều cơ chế phòng vệ cùng một lúc. Vì vậy, tham vấn viên cần phải cân nhắc xem cơ chế phòng vệ nào là chính trong số các cơ chế mà thân chủ đang sử dụng để có những tác động thích hợp và hiệu quả.

Bước 3: Giúp thân chủ nhận thức việc sử dụng cơ chế phòng vệ dồn nén đang ảnh hưởng đến tình trạng hiện tại của họ, và chấm dứt việc sử dụng cơ chế phòng vệ cũ
Có thể nói, đây cũng là một bước quan trọng trong quá trình phá vỡ cơ chế phòng vệ của thân chủ. Vậy, tham vấn viên làm thế nào để giúp thân chủ nhận ra rằng việc sử dụng cơ chế phòng vệ đang ảnh hưởng không tốt đến vấn đề hiện tại của họ? Cách tiếp cận nhận thức-hành vi (Cognitive-Behavior Approach) được ứng dụng nhiều nhất trong giai đoạn này. Muốn thay đổi nhận thức hoặc hành vi, trước hết thân chủ phải nhận thấy những nhận thức hay hành vi trước đây của mình hiện tại không còn phù hợp nữa. Tuy nhiên, tham vấn viên không thể áp đặt những giá trị của mình lên thân chủ trong tiến trình tham vấn mà tham vấn viên phải giúp thân chủ tự bản thân họ nhận ra điều đó. Muốn làm được điều này tham vấn viên hãy chú trọng vào việc đặt câu hỏi về cách phản ứng của thân chủ đối trước những kích thích và cảm xúc của họ, họ cảm thấy như thế nào khi phản ứng như thế. Ví dụ: Anh/chị phản ứng như thế nào khi nghe tin đó? Sau khi phản ứng như thế anh/chị cảm thấy thế nào? Anh/ chị có nghĩ rằng cách phản ứng đó ảnh hưởng như thế nào đến vấn đề ở hiện tại? Theo anh/chị ngoài cách dồn nén còn có cách nào tốt hơn không? Sau khi đặt những câu hỏi gợi mở cho thân chủ tham vấn viên phải xâu chuỗi toàn bộ vấn đề, hiểu được tiến trình hình thành vấn đề của thân chủ và nhấn mạnh lại một lần nữa một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến vấn đề hiện tại của họ là do họ sử dụng cơ chế phòng vệ dồn nén một cách quá mức và điều đó cần một sự thay đổi.
Bước 4: Giúp thân chủ giải toả cảm xúc bị dồn nén và hướng dẫn thân chủ có những đáp ứng mới an toàn
Đây là giai đoạn kết thúc việc sử dụng cơ chế phòng vệ cũ và thiết lập những  đáp ứng mới an toàn. Để giải toả cảm xúc bị dồn nén có thể có rất nhiều cách. Theo cách tiếp cận Gestalt thường sử dụng kỹ thuật chiếc ghế trống (Emty Chair). Cách tiếp cận theo Phân tâm thì sử dụng kỹ thuật Liên tưởng tự do (Free Association), cách tiếp cận Thân chủ trọng tâm thì chú trọng đến cuộc trò chuyện, lắng nghe, chấp nhận … Tuy nhiên việc áp dụng các kỹ thuật để giải toả cảm xúc cho thân chủ phụ thuộc vào môi trường xã hội mà thân chủ sinh sống, phụ thuộc vào hoàn cảnh của tình huống và còn tuỳ thuộc vào giai đoạn của tiến trình tham vấn. Ở giai đoạn đầu các kỹ thuật của cách tiếp cận Thân chủ trọng tâm thường được áp dụng. Sau đó có thể áp dụng kỹ thuật chiếc ghế trống…
Một trong những kỹ thuật được sử dụng khá phổ biến hiện nay để giải toả cảm xúc bị dồn nén là kỹ thuật bày tỏ cảm xúc “I statement”. Ưu điểm của kỹ thuật này là có thể đưa được cảm xúc tiêu cực ra bên ngoài một cách an toàn. Kỹ thuật “I statement” dễ hiểu, dễ thực hành, không chỉ trích, không bình phẩn, không chê bai, không đánh giá nên nó không tạo ra sự phòng vệ của đối phương trong quá trình giao tiếp. Ngoài ra, kỹ thuật này có thể được sử dụng rộng rãi và thường xuyên trong quá trình giao tiếp. Nội dung cơ bản của kỹ thuật này là những lời phát biểu hay những bày tỏ của thân chủ được bắt đầu bằng câu “Tôi cảm thấy …”Ví dụ: Tôi cảm thấy khó chịu khi anh nói điều đó hay con cảm thấy buồn khi bố mẹ mắng con như thế…
Ngoài ra, tham vấn viên còn có thể hỗ trợ thân chủ giải toả cảm xúc bằng những hoạt động như: vẽ tranh, viết nhật ký, … để giải toả những cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, tham vấn viên cần chú ý rằng tiến trình của sự thay đổi sẽ diễn ra một cách từ từ và từng bước một. Thông thường, thân chủ sẽ cảm thấy ngại và cảm thấy bất an khi phải thay đổi một vấn đề gì đó của bản thân vì nó ngược với những thói quen trước đây của họ. Trong tình huống này, thân chủ sẽ có rất nhiều phản ứng khác nhau. Có thể đầu tiên họ rất hăng hái tham gia vào tiến trình tham vấn nhưng sau đó họ khựng lại và cảm thấy muốn né tránh mỗi lần bắt đầu đến buổi hẹn để tham vấn. Bởi vì nếu đến buổi hẹn họ phải làm bài tập thực hành “I statement” ở nhà mà tham vấn viên đã đề nghị, trong khi đó họ chưa có sẵn sàng cho một sự thay đổi và họ chưa thực hành điều đó. Một số thân chủ sẽ viện lý do rằng, họ đang có khó khăn về mặc tài chính hay không có thời gian hay thời gian như thế là không thuận tiện cho họ. Một số thân chủ khác sẽ bật khóc khi tham vấn viên cho thực hành kỹ thuật này… và sau đó họ sẽ tạm ngưng nhưng không bao lâu sau họ sẽ chủ động liên lạc lại với tham vấn viên… Chính vì vậy, tham vấn viên cần phải hiểu rõ vấn đề này và phải kiên trì cùng song hành với thân chủ bằng cách tập sắm vai (Role Play) với thân chủ trước kỹ thuật này tại phòng tham vấn. Tham vấn viên cho thân chủ tập nói cách bày tỏ cảm xúc theo kỹ thuật “I statement” với tham viên thật nhiều lần. Về nhà, cho thân chủ thực hành kỹ thuật trên trước gương. Một khi thân chủ cảm thấy sẵn sàng cho sự thay đổi này thì sẽ áp dụng chúng rộng rãi hơn trong cuộc sống và trong giao tiếp hàng ngày.

2 nhận xét: