NHÀ TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG, HỌ LÀ AI?

Thạc sĩ tâm lý Ngô Minh Duy

1.     Nhà Tâm lý học đường là ai?
Ở các nước phát triển, Nhà tâm lý học đường (School Psychologist) là thành phần không thể thiếu trong hệ thống trường học.
Nhà tâm lý học đường là những người được đào tạo bài bản về Tâm lý học và Giáo dục học. Để được hành nghề, bạn phải phải tốt nghiệp tối thiểu là thạc sĩ, am hiểu về các lĩnh vực như: sức khoẻ tâm thần, sự phát triển của trẻ, tổ chức trường học, phương pháp học tập, biện pháp ngăn chặn, cách thức can thiệp… Ngoài ra, bạn cần trải qua một năm thực tập nội trú và được chính quyền địa phương nơi bạn hành nghề và Uỷ ban quốc gia về Tâm lý học đường cấp phép hành nghề.

Nhiệm vụ chính của nhà tâm lý học đường là giúp học sinh thành công trong học tập, xã hội và đời sống tình cảm. Họ hợp tác với các nhà giáo dục, phụ huynh và các nhà chuyên môn khác để tạo một môi trường học tập an toàn, lành mạnh và hỗ trợ cho tất cả học sinh nhằm tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình.
Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, hoạt động tham vấn học đường đã có những bước tiến khá quan trọng.
2.     Nhà Tâm lý học đường có thể làm những việc gì?
Các nhà tâm lý học đường tìm kiếm những giải pháp tốt nhất cho mỗi tình huống khó khăn của học sinh, sử dụng những cách thức nói chuyện khác nhau để phù hợp với những nhu cầu của học sinh, cải thiện môi trường học tập và hệ thống hỗ trợ mở rộng.
Các nhà tâm lý học đường tiếp xúc với từng học sinh hoặc nhóm. Họ còn phải thiết lập những chương trình huấn luyện cho giáo viên và phụ huynh hướng đến việc giảng dạy hiệu quả và phương pháp học tập hiệu quả, các kỹ thuật hiệu quả để quản lý hành vi tại nhà và ở lớp học, làm việc với những học sinh cá biệt hoặc với những học sinh tài năng, những học sinh lạm dụng ma tuý và các chất khác, ngăn ngừa và quản lý những khủng hoảng của học sinh. Ngoài ra, hầu hết các nhà tâm lý học đường làm việc theo những nội dung sau:
2.1.         Tham vấn:
-       Hợp tác với giáo viên, phụ huynh và các nhà quản lý nhằm tìm ra những giải pháp hiệu quả cho vấn đề học tập và những vấn đề về hành vi của học sinh.
-         Giúp hội đồng sư phạm, phụ huynh và cả học sinh hiểu được sự phát triển của trẻ từ đó có những tác động thích hợp đến học tập và hành vi của chúng.
-         Tăng cường thiết lập mối quan hệ giữa giáo viên, phụ huynh và những nhân viên xã hội.
2.2.         Đánh giá:
-         Đánh giá thích hợp cho những giúp đỡ đặc biệt
-         Đánh giá những kỹ năng và năng lực học tập
-         Xác định sự phát triển về mặt cảm xúc trong các mối quan hệ xã hội và trạng thái sức khoẻ tâm thần.
-         Đánh giá môi trường học tập.
2.3.         Can thiệp:
-         Cung cấp những lời hướng dẫn tâm lý nhằm giúp đỡ các em giải quyết những mối quan hệ với các bạn đồng trang lứa với nhau hoặc những vấn đề của gia đình ảnh hưởng đến việc học ở trường.
-         Tiếp xúc trực tiếp với học sinh và gia đình để giải quyết những khó khăn tâm lý bằng cách hoà giải và học hỏi lẫn nhau.
-         Huấn luyện những kỹ năng xã hội và quản lý cơn giận.
-         Giúp đỡ gia đình và nhà trường trong việc quản lý khủng hoảng như: sự mất mát người thân, đau ốm hay những chấn thương của cộng đồng .
2.4.         Ngăn ngừa:
-         Thiết lập những chương trình học tập cho những học sinh bị sa sút trong học tập.
-         Khuyến khích sự khoan dung, sự hiểu nhau, nâng cao giá trị về tính đa dạng trong phạm vi trường học.
-         Phát triển những chương trình nhằm tạo môi trường học tập an toàn và hiệu quả.
-         Hợp tác với hội đồng giáo viên và các tổ chức xã hội để được giúp đỡ trực tiếp nhằm cải thiện sức khoẻ tâm sinh lý.
-         Phát triển sự hợp tác với phụ huynh học sinh và giáo viên để tạo ra môi trường học tập lành mạnh .
2.5.         Nghiên cứu và lập kế hoạch:
-         Đánh giá hiệu quả học tập và những chương trình quản lý hành vi.
-         Nhận biết và thực thi những chương trình và các chiến lược để cải thiện trường học.
-         Dựa vào những kết quả nghiên cứu được để phát triển và đề nghị sự can thiệp hiệu quả .
3.     Nhà Tâm lý học đường có thể làm việc tại đâu?
Phần lớn các nhà Tâm lý học đường làm việc ở hệ thống các trường học. Tuy nhiên họ có thể làm việc ở những nơi khác như:
-        Hệ thống trường công lập và trường tư thục
-        Những trung tâm chăm sóc sức khoẻ học đường
-        Các bệnh viện công và bệnh viện tư
-        Tư nhân
-        Các trường cao đẳng/đại học
-        Tổ chức cộng đồng, cơ quan chính quyền và những cơ quan khác
4.     Nhà Tâm lý học đường cần chú ý đến những vấn đề nào ở học sinh?
-        Sợ đến trường.
-        Gặp khó khăn trong việc quản lý thời gian
-        Thiếu phương pháp học tập hiệu quả
-        Học tập giảm sút
-        Thiếu khả năng tự kiềm chế các ham muốn
-        Lo lắng về những vấn đề của gia đình như ly hôn, mất người thân
-        Trầm cảm hay lo âu
-        Thử ma tuý và rượu
-        Có ý tưởng tự tử
-        Lo lắng về những vấn đề giới tính
-        Đối mặt với những tình huống khó khăn như chọn trường, tìm việc hay bỏ học.
-        Nghi ngờ năng lực và những khả năng của bản thân.
Các nhà tâm lý học đường giúp học sinh, phụ huynh, giáo viên và những thành viên của cộng đồng hiểu và giải quyết những khó khăn này. Tuỳ theo tình huống mà các nhà tâm lý học đường có thể tiếp cận theo những cách khác nhau.

1 nhận xét:

  1. O Viet Nam nha tham van hoc duong dang rat can thiet de giup do hoc sinh trong nhieu van de, nhat la tinh trang hoc sinh dang bi qua tai trong hoc tap
    Hoacomay

    Trả lờiXóa