NỖI ĐAU BUỒN

Thạc sĩ tâm lý Ngô Minh Duy
Nỗi đau buồn (grief) là cảm xúc đau đớn mãnh liệt xuất phát từ việc mất đi những gì là thân yêu nhất của chính mình.
Thông thường, chúng ta nghĩ về sự mất mác, đau buồn là nghĩ về việc một ngày nào đó người thân của chúng ta sẽ từ bỏ chúng ta mà đi. Khi điều đó xảy ra trong thực tế, chúng ta trải qua cảm giác đau đớn tột cùng (đau và buồn).
Đau buồn là phản ứng tự nhiên và phổ biến trong cuộc sống, không ai trong chúng ta có thể tránh được điều này. Tất cả mọi người đều phải trải qua loại sang chấn tâm lý này khi mất đi những gì quan trọng đối với mình. Nỗi đau buồn nếu không được giải quyết nó có thể là nguyên nhân dẫn đến lo âu cấp tính và trầm cảm. Diễn biến tâm lý của sự đau buồn có 5 giai đoạn: Phủ nhận => Giận dữ => Mặc cả => Trầm cảm => Chấp nhận. Một người có thể trải qua nhiều nỗi đau buồn trong cuộc sống. Sau đây là một số vấn đề/sự kiện có thể dẫn đến nỗi đau buồn:
-        Cái chết của người yêu
-        Chấm dứt một mối quan hệ quan trọng với bạn trai/bạn gái
-        Mất đi mối quan hệ với bố mẹ vì bố mẹ ly hôn
-        Mất đi một người bạn thân vì người đó chuyển nhà hay chuyển trường.
-        Bạn chuyển nhà, chuyển trường.
-        Mất việc vì tinh giảm biên chế
-        Mất đi vị thế đặc biệt trong gia đình vì một thành viên mới của gia đình chào đời.
-        Phá hoại sự thành công của người mà người đó không thích bạn và bạn cố ý chơi xấu họ.
-        Suy yếu về mặt cơ thể, ốm đau, bệnh tật
-        Mất đi một con vật cưng
-        Không còn khả năng để quay lại với trường học, bạn bè, gia đình chồng/vợ vì một số lý do.
-        Nhận thấy mình không đạt được những ước mơ trong cuộc sống.
-       
Ngoài ra, chúng ta có thể đau buồn vì những gì chúng ta mơ ước nó diễn ra/xuất hiện thì chẳng bao giờ thấy như:
-        Tuổi thơ hạnh phúc
-        Một mái ấm gia đình bình thường như bao người khác mà bạn thấy ở người hàng xóm trên tivi hay nhân vật trong một bộ phim.
-        Là hội viên của một hội nào đó.
-        Tìm được một người để làm chỗ dựa và chăm sóc cho mình
-        Muốn có cha mẹ vì bạn phải mồ côi
-        Bạn mong muốn mình là một người xinh đẹp, mi nhon, một làn da trắng mịn màng trong khi bạn không đẹp và quá mập.
-        Màu tóc hay màu mắt khác với cái mình đang có (không chấp nhận bản thân)
-        Ông/bà nội, ngoại
-       
Từ những đau khổ trên, sự xúc phạm của người khác và thất vọng của bản thân trong bạn sẽ hình thành một bức tường phòng vệ và các nhà trị liệu tâm lý gọi đó là PHỦ NHẬN. Sự phủ nhận của bạn thể hiện qua suy nghĩ hoặc ngôn ngữ như: “Tôi không quan tâm”, “Đó không phải là sự thật”, “Ai muốn thế nào cũng được”, “Mọi người đều làm nó”, “Nghiện ma túy không phải là vấn đề cua tôi”…
Khi chúng ta ra khỏi giai đoạn PHỦ NHẬN về sự mất mác, chúng ta sẽ chuyển sang giai đoạn kế tiếp, đó là giai đoạn GIẬN DỮ.
Những giận dữ của chúng ta có thể có lý hay vô lý và có thể chia thành nhiều mức độ khác nhau như: ghét, phẫn nộ, giận, không hài lòng, đau, khó chịu, cáu gắt. Giai đọan này có sự xuất hiện của sự khiển trách, chỉ trích, bản thân nhưng biểu lộ ra bên ngoài theo kiểu “Tất cả là lỗi của người khác”.  Và khi giận dữ đã bắt đầu lắng xuống thì bạn bắt đầu giai đoạn MẶC CẢ.
Chúng ta mặc cả với cuộc sống, với người khác, với Chúa và cả bản thân chúng ta theo cấu trúc “Tôi sẽ cố gắng hơn nữa, làm ơn đi”, “Có lẽ nếu như tôi …”.  Mặc cả và cố gắng trì hoãn là biểu hiện tâm lý thường thấy của người trải qua những mất mác hay đau buồn.
Một khi, sự mặc cả không còn tác dụng nữa, sự nỗ lực để né tránh sự thật không thể tiếp tục thì cảm giác tràn ngập của giai đoạn TRẦM CẢM bắt đầu xuất hiện. Giai đoạn này chỉ xảy ra khi các giai đoạn trước bạn đã trải qua bao gồm cả khóc lóc và sự đau đớn mãnh liệt. Những biểu hiện thường thấy trong giai đoạn này là: không có khả năng hoạt động và làm việc nếu không có sự hỗ trợ của người khác, cảm giác bất lực, thương hại bản thân (Tại sao tôi lại như thế này?), buồn chán, mặc cảm tội lỗi, có những hành vi tự hủy bản thân (cắt tay, làm cho chảy máu…) hay nhận lấy thất bại về bản thân mình, có ý nghĩ hoặc đã có kế hoạch tự tử.
CHẤP NHẬN là giai đoạn cuối cùng trong chu kỳ của nỗi đau buồn. Chấp nhận không có nghĩa là một giai đoạn hạnh phúc, hài lòng với vấn đề hoặc vượt qua được khó khăn hoàn toàn. Nói đúng hơn, đó là cảm xúc trống rỗng. Nỗi đau đã qua, bản thân cũng đã nỗ lực hết sức nhưng không thể thay đổi nên đành chấp nhận. Có thể, đó là trạng thái yên bình nhưng không có nghĩa là vết thương lòng đã lành và cảm giác trống rỗng hoàn toàn mất đi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét