Thạc sĩ tâm lý Ngô Minh Duy
Trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng gặp những khó khăn tâm lý cần phải vượt qua. Trong những lúc như thế, nếu được sự hỗ trợ từ nhà tham vấn/nhà trị liệu tâm lý thì bạn sẽ dễ dàng vượt qua những khó khăn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ hỗ trợ tinh thần.
Trong những tình huống như thế, hệ thống hỗ trợ của bạn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng đỡ và chia sẻ để người cần hỗ trợ nhanh chóng vượt qua khó khăn tâm lý. Hệ thống hỗ trợ có thể bao gồm: vợ hoặc chồng, cha mẹ, anh chị em thân thiết, bạn thân, người yêu… Những người trong hệ thống hỗ trợ của bạn sẽ làm được gì?Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ hỗ trợ tinh thần.
1. Lắng nghe, tôn trọng và chấp nhận
Bạn đừng quá lo lắng hay quá cầu toàn trong việc giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn tâm lý. Chỉ cần lắng nghe một cách chăm chú khi người khác chia sẻ những bức xúc, những suy nghĩ của họ và chấp nhận họ cũng như cảm xúc của họ một cách vô điều kiện là bạn đã làm được một việc lớn. Nghĩa là, bạn không phán xét, đánh giá hay chỉ trích gì về nội dung, cảm xúc hay hành vi của người cần được giúp đỡ. Mỗi người có một quan niệm sống khác nhau vì thế cách hành xử cũng khác nhau, chúng ta phải tôn trọng sự khác biệt này. Đặc biệt, bạn không được phép thể hiện sự giận dữ với người đang cần sự hỗ trợ.
Trong những hoàn cảnh như thế, người cần sự hỗ trợ rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Sự tôn trọng còn biểu hiện khi người cần được giúp đỡ không muốn chia sẻ về sự cố hay cảm xúc của họ thì bạn cũng không nên nài ép. Vì thế, tôn trọng, chấp nhận và lắng nghe một cách chăm chú là những việc đầu tiên mà bạn có thể làm cho người cần sự giúp đỡ.
2. Thể hiện sự đồng cảm
Bạn đừng đáp lại bằng câu “may cho bạn là sự việc không tồi tệ hơn”. Thay vào đó, bạn hãy nói rằng bạn lấy làm tiếc vì đã xảy ra một việc như thế và bạn muốn hiểu và muốn giúp đỡ. Bạn hãy đặt mình vào hoàn cảnh, tình huống của họ và thử xem mình sẽ như thế nào trong hoàn cảnh, tình huống ấy. Lúc đó, bạn sẽ thật sự hiểu được người đang cần sự hỗ trợ.
3. Dành nhiều thời gian hơn ở cạnh người đang gặp sang chấn tâm lý
Cảm giác an toàn ở những lúc như thế này khá quan trọng với người cần sự giúp đỡ. Vì thế, việc động viên, khuyến khích tinh thần người đang cần sự hỗ trợ. Bảo đảm với họ rằng, họ đang được an toàn là điều cần thiết.
4. Thành lập những nhóm hỗ trợ hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ
Tại cơ quan, bạn có thể thành lập các nhóm hỗ trợ đễ giúp đỡ người đang gặp khó khăn tâm lý. Đoàn thanh niên, công đoàn, hội phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tinh thần cho người đang cần sự hỗ trợ. Là đồng nghiệp, bạn có thể gánh vác hay chia sẻ một phần công việc để người đang gặp khó khăn bớt áp lực hơn trong công việc. Ngoài ra, bạn cũng cần tìm kiếm những tổ chức hỗ trợ về sức khỏe tinh thần để giúp đỡ cho người có sang chấn tâm lý.
5. Giúp đỡ những công việc nhà
Bạn có thể giúp đỡ những công việc trong ngày như: dọn dẹp, nấu nướng, chăm sóc gia đình thay cho người đang trải qua sang chấn tâm lý.
6. Tôn trọng nhu cầu riêng tư và thời gian muốn được ở một mình
Đôi lúc, người đang trải qua sang chấn tâm lý cần yên tĩnh một mình. Bạn cần tôn trọng điều này. Tuy nhiên, phải giữ liên lạc thường xuyên và luôn để mắt tới họ nhằm đề phòng những bất trắc có thể xảy ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét