PHÒNG THAM VẤN TÂM LÝ CÁ NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
INDIVIDUAL AND FAMILY COUNSELING CLINIC IFC



NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN
VỀ TÂM LÝ TRỊ LIỆU

Sổ tay dành cho các tham vấn viên tâm lý




Libby Zinman-Schwartz, Ed.D. NCC.
Ngô Minh Uy dịch

Tài liệu này không phải là một giáo trình, mà chỉ là một sổ tay, vì vậy nó chỉ mang tính chất cung cấp những thông tin.  Bạn sẽ phải tìm kiếm thêm nhiều thông tin nữa một cách độc lập nếu thật sự bạn muốn hiểu biết về chuyên ngành Tâm lý trị liệu.  Bạn  có  thể  sử  dụng những giáo trình trong lĩnh vực này, hoặc trên mạng  internet  để  trả  lời  những  câu  hỏi  dưới đây. Hãy tạo cho mình thói quen tìm kiếm thông tin ngay từ bây giờ, bởi vì bạn sẽ luôn luôn cần đến trong suốt sự nghiệp của chính mình nhằm có được những kiến thức hiện đại trong lĩnh vực tham vấn và trị liệu tâm lý.
Tp. HCM 06/ 2005

PHẦN I: NỀN TẢNG CỦA TÂM LÝ TRỊ LIỆU: SỰ MẠNH KHỎE CỦA CÁI TÔI, SỰ CÁ BIỆT HÓA VÀ NHỮNG PHÒNG VỆ
Để hiểu được tâm lý trị liệu, bạn hãy nghĩ đến 03 khái niệm rất phổ biến mô tả về tiến trình phát triển của con người sau đây: SỰ KHỎE MẠNH CỦA CÁI TÔI, SỰ CÁ BIỆT HÓA VÀ NHỮNG PHÒNG VỆ. Cũng rất quan trọng để lưu ý đến những khái niệm này trong một gia đình tiêu chuẩn gồm hai bố mẹ và con cái, và sự tương tác giữa những mối quan hệ đó. Nếu không có cha mẹ (hoặc tương đương), thì sự phát triển sẽ không có ý nghĩa, bởi vì ấu nhi và trẻ em hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn từ lúc sinh ra cho đến những năm đầu của tuổi thơ để tồn tại và tìm thấy ý nghĩa của bản thân.
SỰ MẠNH KHỎE CỦA CÁI TÔI: CUỘC ĐẤU TRANH GIỮA CÁI NÓ (ID), CÁI TÔI (EGO) VÀ CÁI SIÊU TÔI (SUPER-EGO)
Hãy bắt đầu với cái Tôi. Cái Tôi là một cấu trúc lý luận. Nó nằm trong tâm trí và nói lên những gì con người nghĩ về chính bản thân mình. Cái Tôi có thể mạnh hoặc yếu, và sự mạnh khỏe của nó có thể nằm giữa hai điều đó. Cái Nó chính là những bản năng không bị ngăn trở của một đứa bé. Cái Siêu tôi chính là những luật lệ của xã hội, nó được tạo ra bởi cha mẹ, thầy cô giáo, cảnh sát hoặc những người có quyền lực khác.
Nếu sự nuôi dưỡng một đứa bé được thực hiện đúng đắn (yêu thương, bảo vệ, tán thưởng), thì sự mạnh khỏe của cái Tôi sẽ cao, đó là sự tự tin. Nếu đứa bé phải chịu sự chỉ trích liên tục từ cha mẹ hoặc người chăm sóc, bị bỏ rơi, thiếu tình thương hay sự tán thưởng, thì cái Tôi sẽ yếu và lòng tự tin thấp. Với lòng tự tin thấp sẽ kéo theo lòng tự tôn (self-esteem) thấp và dễ dẫn đến những giai đoạn trầm cảm bên cạnh những rối loạn khác. Có một sự tương tác rất đặc biệt giữa cái Nó và cái Siêu tôi trong sự phát triển của đứa trẻ. Khi đứa trẻ học biết vâng lời cha mẹ, hoặc học tuân theo những nguyên tắc kỷ luật, đó chính là những phản ứng nhằm khuất phục những đòi hỏi của bản năng để bắt đầu hình thành nhân cách của mình và hình thành cái ý nghĩa về bản thân, về cái Tôi.
SỰ ĐẤU TRANH GIỮA CÁI NÓ VÀ CÁI SIÊU TÔI ĐỂ HÌNH THÀNH NÊN MỘT CÁI TÔI VỮNG VÀNG
CÁI NÓ                           CÁI TÔI                           CÁI SIÊU TÔI
Bản năng                   Ý niệm về bản thân              Những luật lệ của xã
                                                                            hội về hành vi
CÂU HỎI:
-        Bạn nghĩ một người có lòng tự tôn thấp sẽ thể hiện như thế nào ở trường học, với bạn bè và với gia đình? Trong mỗi tình huống, hãy cho biết một người có cái Tôi không mạnh khỏe sẽ hành động như thế nào?
-        Cha mẹ, trường học và xã hội có thể giúp đỡ để xây dựng một cái Tôi khỏe mạnh và lòng tự tôn cao trong quá trình phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên? Nền văn hóa của bạn đã làm cho sự phát triển này diễn ra hay bị suy yếu như thế nào?
Mô hình về mối tương tác giữa cái Nó, cái Tôi và Siêu Tôi.
Cái Nó chủ yếu là ở trong giai đoạn đầu tuổi thơ, và cha mẹ phải cung cấp những sự chăm sóc về mặt thể chất như: ăn uống, bồng ẵm, và tắm rửa để chúng phát triển một cách thích đáng. Nếu trẻ bị bỏ rơi trong giai đoạn này, thì có thể sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng sau này trong cuộc sống. Đứa trẻ có thể sẽ cảm thấy rất bấp bênh và nó chỉ có mối liên hệ duy nhất khi người chăm sóc đáp ứng những nhu cầu của chúng, nhưng rồi người chăm sóc cũng “bỏ rơi” chúng khi người đó vắng mặt quá thường xuyên. Sự can thiệp rất cần thiết để tránh khỏi những sự phát triển của các rối loạn cảm xúc nghiêm trọng. Sự can thiệp có thể là một người chăm sóc khác hoặc một người nào đó giúp cho cha mẹ hiểu ra rằng họ phải lưu tâm nhiều hơn nữa đến những nhu cầu của đứa trẻ.
Khi đứa trẻ bắt đầu bước vào tuổi đi chập chững, nó học được những điều gì là có thể hoặc không thể làm. Sự ngăn trở này có thể tạo ra những vấn đề, thường là đối với những đứa trẻ gây hấn, chúng không chịu được. Ơ đây có một sự cân bằng giữa cái nhu cầu “xã hội hóa” của đứa trẻ đi chập chững, nhờ thế mà chúng được an toàn và chấp nhận đối với xã hội, và cũng như sự cho phép để đứa trẻ có thể bộc lộ những cảm xúc tự nhiên, chẳng hạn như sự thất bại hoặc giận dữ.
Sự bắt đầu quá trình phát triển cái Tôi có thể xảy ra trong giai đoạn này, khi đứa trẻ phải học để biết ngăn cản những bản năng của mình và hợp tác với cha mẹ và với những lực lượng có uy quyền khác trong cuộc sống của chúng. Đứa trẻ mới đi chập chững và trẻ em phải cân đối những nhu cầu của chúng với những đòi hỏi của xã hội, đó là hình ảnh của một “siêu Tôi” hoặc “Ý thức” bảo chúng cái gì là đúng, cái gì là sai và phải biết hành xử như thế nào để được chấp nhận hoặc được tán thành bởi những người có vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng.
Nếu có quá nhiều những chỉ trích nghiêm khắc hoặc bị đánh đập, lạm dụng tình dục hoặc thiếu hụt tình yêu thương của cha mẹ, đứa trẻ sẽ phải chịu đựng quá nhiều đau khổ trong lứa tuổi của chúng cũng như trong khả năng hiểu được điều gì đang xảy ra. Nếu quá được nuông chiều, thì cái Siêu Tôi sẽ không phát triển đúng đắn và ý thức cũng không được hình thành một cách thích đáng. Và rồi, những sự sai lệch sẽ xảy ra. Sự phát triển khỏe mạnh có thể được xác định như là: “ít nhất có thể những sự sai lệch hoặc sự tự vệ” của những trải nghiệm của một cá nhân.
CÂU HỎI:
-        Trong văn hóa phương Tây, sự độc lập và cá biệt hóa luôn được khuyến khích. Trong văn hóa phương Đông, tính thụ động và vâng lời thường là được mong đợi. Điều gì có thể ảnh hưởng đến cái Tôi của những đứa trẻ phương Đông khi những giá trị về sự hòa hợp, mềm mỏng là những điều được yêu cầu phải có nơi chúng?
-        Mọi đứa trẻ đều khác nhau về di truyền, vì thế mà những đứa trẻ có tính gây hấn thì có cách phản ứng khác với những đứa trẻ có tính hòa hợp một cách tự nhiên. Trong mỗi trường hợp, sự ảnh hưởng của những tương tác lên sự phát triển của cái Tôi hoặc sự mạnh mẽ của cái Tôi (cái giá trị của bản thân, khả năng đánh giá đúng và chấp nhận bản thân) của một người là gì?
-        Một tình huống lý tưởng có thể là gì, nếu cha mẹ hiểu được sức mạnh của sự ảnh hưởng của họ lên sự phát triển của đứa trẻ. Bằng cách nào để các bậc cho mẹ phương Đông có thể điều chỉnh những hành vi của họ để mang lại ích lợi cho sự phát triển mạnh khỏe của đứa con?
Bây giờ hãy thảo luận những mô hình dưới đây: hãy giải thích tại sao và làm cách nào bạn hiểu được sự phát triển của bản thân và sự khỏe mạnh của Cái Tôi của một người:
Mô hình
Trẻ gây hấn
Trẻ thụ động
Trẻ gây hấn
Trẻ thụ động
Cha mẹ gay gắt
Cha mẹ gây gắt
Cha mẹ cho phép
Cha mẹ cho phép
Kết quả





LÝ THUYẾT VỀ SỰ GẮN KẾT
Có rất nhiều giai đoạn của sự phát triển mà một con người trải qua, bất chấp việc anh ta được sinh ra trong nền văn hóa nào. Đứa trẻ phải học để bước từ tuổi thơ vào bên trong, hoặc gần với cha mẹ chúng, để có cái mà chúng ta gọi là một sự gắn kết đúng đắn hay là khả năng để yêu thương và tin tưởng người khác. Nếu đứa trẻ học được sự đau khổ và không tin tưởng vào cha mẹ hoặc những người chăm sóc khác, chúng sẽ không có khả năng để liên hệ tốt với những người khác bên ngoài gia đình. điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng của chúng trong việc trải nghiệm sự thân mật và hôn nhân, cũng như sự thoải mái trong những mối quan hệ trong công việc với những người khác.
Trẻ thơ Việt Nam nhận được tình yêu thương và sự chăm sóc rất tuyệt vời, đây là một khía cạnh rất tích cực của nền văn hóa. Sau đó, khi chúng bước vào tuổi tiền dậy thì, cha mẹ thường giảm sự thể hiện tình thương với đứa con và bắt đầu khuyến khích hoặc thúc ép đứa con học tốt ở trường, thậm chí ép buộc chúng phải làm điều đó. Khi sự ép buộc diễn ra quá lớn hoặc được tập trung quá nhiều, sự tự tin có được trong tuổi thơ và trẻ em có thể bị giảm bớt, và thanh thiếu niên có thể bắt đầu nghi ngờ về những giá trị của chúng với người khác. Trong tiềm thức, có thể chúng cảm thấy chúng được yêu không phải vì chính bản thân chúng như là hồi còn bé, nhưng chỉ được yêu vì những gì chúng có thể làm ra. Và sự thấp kém lòng tự tôn bắt đầu phát triển, cũng như những rối loạn về định hình nhân cách, một sự rối rắm và không chắc chắn, đặc biệt đối với những đứa trẻ không thể theo đuổi được việc học lên cao hoặc những sự kỳ vọng khác của cha mẹ.
Những sự khủng hoảng có thể phát triển trong suốt cuộc sống của đứa trẻ khi có những sự kiện quan trọng (thời gian của những sự thay đổi quan trọng) xảy ra. Ví dụ, trong giai đoạn tiền dậy thì, cơ thể của đứa trẻ thay đổi và lớn lên, phát triển những đặc điểm tình dục. Sự nhận thức và chấp nhận về cơ thể có thể là rất khó khăn nếu những mong đợi của nền văn hóa về sự hoàn hảo quá cứng nhắc.
Khả năng để liên hệ với người khác giới và những người đồng trang lứa khác sẽ rất khó khăn nếu một người trẻ thiếu lòng tự tôn. Hoảng sợ xã hội và rối loạn nhân cách tránh né có thể phát triển trong thời gian này. Thu rút và trầm cảm có thể là kết quả, cùng với sự xấu hổ. Những môi trường tích cực và khích lệ trong trường học và tại gia đình có thể giúp trẻ vượt qua những giai đoạn khó khăn này.
NHU CẦU VỀ NGÀNH TÂM LÝ HỌC PHÁT TRIỂN CHO VIỆT NAM
Cho đến bây giờ, chúng ta có thể nói rằng Việt Nam vẫn chưa hình thành được một chuyên ngành khoa học và chính thức về Tâm lý học phát triển của riêng mình, mà chỉ mới là những phán đoán về những hành vi nào là đúng, hành vi nào là sai, những phán đoán này có nguồn gốc từ những tư tưởng của Khổng giáo và Phật giáo, mà thỉnh thoảng chúng ta gọi đó là tâm lý học.
 Chúng ta cần phải chỉ ra được đâu là những hành vi phát triển chung nhất cho từng giai đoạn lứa tuổi và những cha mẹ hoặc những thành viên khác trong gia đình nuôi dưỡng đứa trẻ như thế nào và đâu là những mong đợi của họ trong những giai đoạn lứa tuổi này. Chúng ta cũng cần hiểu rằng liệu những gì chúng ta mong đợi có phù hợp với sự phát triển của trẻ em trong từng giai đoạn lứa tuổi hay không.
CÂU HỎI:
-        Trẻ em thì thường có xu hướng tách rời khỏi cha mẹ, như một bản năng để trở nên tự tin trong tất cả mọi người. Vậy nền văn hóa nào giúp đứa trẻ trở nên độc lập hơn? Nền văn hóa của các bạn có giúp phát triển sự độc lập và cá biệt hóa? Tại sao?
-        Nếu văn hóa phương Tây giúp phát triển sự độc lập còn văn hóa phương Đông không giống như vậy, thì mở rộng ra, làm thế nào để có thể đưa những giá trị đặc trưng trong tâm lý học phương Tây vào Việt Nam nhằm mang lại ích lợi cho các bậc cha mẹ và trẻ em mà vẫn không phá vỡ đi những giá trị truyền thống của Việt Nam?
NHỮNG PHẢN ỨNG ĐỐI VỚI SỰ TỔN THƯƠNG CỦA CÁI TÔI: CÁC CƠ CHẾ PHÒNG VỆ
VÔ THỨC VÀ NHỮNG PHÒNG VỆ
Sigmund Freud là một nhà phân tâm học người Áo đã xây dựng nên lý thuyết về cái Nó, cái Tôi và Siêu Tôi, lý thuyết về bản thân (sự phát triển bản thân). Những công trình của ông được hoàn tất vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Sigmund Freud cũng xây dựng lý thuyết về VÔ THỨC VÀ CÁC CƠ CHẾ PHÒNG VỆ. Freud nhìn ý thức như chỉ là một tầng trong tâm lý. Ông ta nhận ra rằng trong tâm lý còn có vô thức, là phần mà chúng ta không thấy được và đó chính là nơi che giấu tất cả những gì mà chúng ta không muốn đối diện. Freud cũng nhận thấy có hàng loạt những cơ chế phòng vệ mà con người sử dụng để bảo vệ chính họ (cái Tôi của họ).
Freud lý luận rằng khi chúng ta không muốn đối diện với thực tế, chúng ta sử dụng những cơ chế phòng vệ, nhằm giúp làm sai lệch đi sự thật bằng cách thay đổi những cái gì mà chúng ta nhìn thấy, nghe thấy. Với cách đó, chúng ta có thể chịu đựng hoặc quên đi (kiềm nén) những kinh nghiệm không vui.
Thông thường ở giai đoạn đầu của trẻ em, có thể từ ấu nhi đến khoảng 05 tuổi, con người nhận được những điều mà chúng ta có thể gọi là những sự tổn thương đến cái Tôi hoặc là NHỮNG TỔN THƯƠNG CẤP 1. Những tổn thương này có thể được trải nghiệm như là sự bị từ chối, bỏ rơi, chỉ trích khắc nghiệt, lạm dụng thể chất hoặc tình dục, hay đơn giản hơn là sự so sánh với những anh chị em khác…. Tất cả mọi người đều cố gắng ngăn cản việc phải nhận những sự tổn thương như vậy thêm một lần nữa, và vì thế họ tạo ra những cơ chế phòng vệ để bảo vệ chính mình. Có thể họ sẽ từ chối những trải nghiệm không hài lòng hoặc kiềm nén những cảm giác không thoải mái, hoặc bị đe dọa mà họ không thể bộc lộ hoặc thể hiện ra những cảm giác thật mà họ cảm nhận. Chối bỏ, phản ứng ngược (làm những điều ngược lại với những cảm giác thật), phóng chiếu và những cơ
chế khác chính là cơ chế phòng vệ được thiết lập từ rất sớm và nó trở thành một phần của nhân cách, những cơ chế này sẽ giúp làm bóp méo đi sự thật để cung cấp cho con người một cảm giác an toàn và được bảo vệ.
Những thân chủ là người lớn phải nhận ra rằng trẻ em (hoặc đứa trẻ ở trong họ) không bao giờ phải chịu trách nhiệm cho những sự tổn thương cấp 1 mà họ đã phải gánh chịu, bởi vì họ bị lệ thuộc hoàn toàn vào người lớn trong việc chăm sóc và bảo vệ cho chính cuộc sống của họ. Khi những cơ chế phòng vệ từ sớm này trở thành một phần của nhân cách và chúng được tiếp tục sử dụng trong tuổi trưởng thành thì đó vấn đề bắt đầu xuất hiện. Lúc đó những tổn thương cấp 1 này sẽ trở thành NHỮNG TỔN THƯƠNG CẤP 2, và bây giờ trách nhiệm của chính họ là phải làm cách nào đó để thay đổi hoặc làm giảm đi. Những cơ chế phòng vệ này, những tổn thương cấp 2, có thể được nhìn thấy như là có ích lợi cho việc bảo vệ những đứa trẻ, và nó không bao giờ còn cần thiết nữa đối với những người trưởng thành, nhưng bây giờ nó lại làm rối nhiễu những mối quan hệ trong công việc cũng như trong quan hệ thân mật của họ.
Ví dụ, một người có thể sử dụng cơ chế kìm nén, đó là cơ chế làm che giấu
những cảm xúc mà nó có thể sẽ đe doạ đến sự phát triển của một cá nhân, nếu nó được bộc lộ ra. Tiếp tục sử dụng cơ chế kìm nén sẽ dẫn đến trầm cảm, bởi vì những cảm xúc như giận dữ, ganh ghét… khi kìm chế lại thì nó sẽ quay ngược vào bên trong. Nếu nhận ra được và giải quyết vấn đề này thông qua việc mở rộng giao tiếp với người khác, thì trầm cảm có thể hết và vấn đề có thể được giải quyết.
Trẻ em " bộc lộ giận dữ với cha mẹ "  cha mẹ trừng phạt  "   trẻ kiềm nén " cơn giận dữ quay ngược vào bên trong đứa trẻ " buồn, chấp nhận, trầm cảm.
CÂU HỎI:
-        Nếu một người trải qua những cảm xúc mạnh và giận dữ, anh ta sẽ làm gì với những cảm xúc đó? Trong trường hợp đó, những lựa chọn tích cực nhất để hành động trong nền văn hóa phương Đông là gì? Chúng là gì trong nền văn hóa phương Tây? Tâm lý trị liệu hiện nay cung cấp cho chúng ta những lý luận dựa trên văn hóa phương Tây, vậy chúng ta, văn hóa phương Đông, có thể chỉnh sửa như thế nào để những lý luận này có thể thống nhất được với những giá trị văn hóa của chúng ta?
-        Khi một cá nhân không thể bộc lộ ra ngoài những cảm xúc mạnh mẽ, thì chúng, những cảm xúc đó sẽ đi đâu? Và chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo đó ở nơi mà những cảm xúc đó đi đến? Chúng có ảnh hưởng như thế nào đến hành vi và cảm xúc của con người? Nếu bạn lờ đi hoặc là “quên đi” những cảm xúc tức giận đối với một ai đó mà bạn cần hoặc bạn yêu, thì chuyện gì sẽ xảy ra?
CƠ CHẾ PHÒNG VỆ VÀ NHỮNG RỐI LOẠN NHÂN CÁCH
CÂU HỎI:
-        Những kiểu trẻ em như thế nào thì chấp nhận sự đối xử nghiêm khắt và không nhân từ, và những ảnh hưởng của nó đến sự phát triển nhân cách là gì?
-        Những trẻ em kiểu như thế nào thì chống đối lại cách đối xử trên, và những ảnh hưởng của nó đến sự phát triển nhân cách là gì?
-        Những kiểu rối loạn nhân cách nào có thể là kết quả từ việc sử dụng cơ chế kiềm nén? Xem  tài liệu DSM-IV phần các rối loạn nhân cách.
DỒN NÉN: Đưa ra xa hoặc “quên đi” những cảm giác không thoải mái.
CHỐI BỎ: Từ chối việc công nhận những cảm giác không thoải mái
PHẢN ỨNG NGƯỢC: Bộc lộ những cảm xúc ngược lại của mình
PHÓNG CHIẾU: Đặt những cảm giác của mình vào người khác bất chấp có được xác nhận hay không, hoặc tưởng tượng rằng người khác cũng có  những cảm giác và suy nghĩ giống như mình
CHIA TÁCH: Không có khả năng bỏ qua việc chỉ trích bản thân; Không chấp nhận những thông tin tiêu cực.
HỢP LÝ HÓA: Bào chữa cho những nhu cầu không được đáp ứng
GIẬN DỮ: Bộc lộ một cách trung thực tất cả những gì mình nhận biết.
THOÁI LÙI: Quay về với những giai đoạn phát triển trước về hành vi
THU RÚT: Tránh né mọi người và những hoạt động đương nhiên

THẢO LUẬN
-        Hãy sử dụng tất cả những thông tin bạn đã học được để mô tả về sự phát triển trong giai đoạn đầu của một con người, sử dụng các khái niệm: cái Tôi, Siêu Tôi, cái Nó, vô thức, dồn nén, chối bỏ, phản ứng ngược và phóng chiếu…
-        Nếu bạn đã nghiên cứu kỹ tất cả những thông tin trong phần một này và đã tìm kiếm những thông tin để trả lời cho tất cả những câu hỏi đặt ra, thì bạn đã có được những kiến thức cơ bản về sự phát triển của con người, và có thể nhận ra được điều gì là sai trong tiến trình đó. Có rất nhiều những sự kiện quan trọng trong một đời người mà có thể dẫn đến khủng hoảng. Con người có thể làm như thế nào để giải quyết những đòi hỏi và những phòng vệ của mình để tạo thành những hành vi và xây dựng được một cuộc sống cân bằng, tốt hay là một cuộc sống rối rắm, không hạnh phúc và khổ sở
-        Hãy thảo luận về sự khác biệt giữa một cá nhân được nuôi dưỡng bởi một gia đình đầy tình thương và khích lệ, ở đó có sự yêu thương một cách vô điều kiện và có những nguyên tắc phù hợp với trẻ, với một cá nhân được nuôi dưỡng trong một gia đình 1) quá gắn bó; 2) quá xa cách; và 3) thân mật (chỉ trong gia đình, khó chấp nhận những người lạ ngoài gia đình). Hãy thảo luận về sự khác biệt này trong một gia đình mà đứa trẻ có cha mẹ nghiện rượu, hoặc luôn chỉ trích khắc nghiệt, hoặc đánh đập thường xuyên. Điều gì có thể xảy ra đối với sự phát triển sức mạnh của cái Tôi (lòng tự tôn, tự tin)? Điều gì có thể xảy ra khi đứa trẻ bước vào thế giới ganh đua nơi trường học? Đứa trẻ này sẽ có thể cảm thấy như thế nào như là một người thanh niên về việc hình thành một mối quan hệ có ý nghĩa và thân mật với người khác phái?
Mỗi người đều khác nhau, với những người có những tiềm lực mạnh thì hầu như có thể cứu họ khỏi được những tổn thương lúc nhỏ tốt hơn so với những người có tìm lực yếu, bao gồm thụ động, trí tuệ dưới mức trung bình, tính khí căng cẳng và lo âu…. Những vấn đề này cũng có thể giải quyết được về sau, nhưng thường là rất khó để họ có thể thoát ra được những tai ương mà họ đã trải qua trong gia đình từ rất sớm, cũng như với những tổn thương khác mà họ có thể gặp phải.
Những thông tin trên đây chỉ mang tính hướng dẫn, vì thế đừng áp dụng chúng cho mọi thân chủ. Lưu ý là phải nghe và quan sát thân chủ thật kỹ đối với mỗi sự biến đổi từ những vấn đề như sự phát triển của trẻ em, những tai ương và những nguồn lực cá nhân. Chú ý đến yếu tố di truyền sẵn có nơi mỗi thân chủ trước khi đưa những lý thuyết của tâm lý học kết nối vào những thông tin của bạn về thân chủ và vào cách mà bạn tham vấn cho anh ta. Hãy luôn giữ sự cởi mở về những thông tin không hợp với những lý thuyết và những kết luận riêng của bạn. Luôn luôn sẵn sàng thay đổi ý kiến nếu có xuất hiện thêm những thông tin mới trong hồ sơ của thân chủ.
CÁ BIỆT HÓA (LÀM CHO BẢN THÂN KHÁC BIỆT VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÁC)
Tiếp theo, chúng ta tìm hiểu thêm một phần nữa đó là CÁ BIỆT HÓA, hay là sự tách biệt khỏi những thành viên khác trong gia đình của một cá nhân với mục đích xây dựng một đặc tính riêng và sự độc lập để trở nên có trách nhiệm đối với bản thân và kiến tạo những mục tiêu cho cuộc sống (chẳng hạn một gia đình mới, một công việc có ý nghĩa…)

(ấu nhi)                trường học   - tuổi nhỏ - thanh thiếu niên - công việc/ gia đình (trưởng thành)
Cộng sinh………………………….....Tách rời…………………………….. Độc lập        
Liên kết                                                Cá nhân                                       Xác thực
CÂU HỎI
-        Từ mô hình trên, bạn giải thích thế nào về tiến trình cá biệt hóa (từ gia đình, người khác) mà mỗi người phải trải qua để trở thành tách biệt và là một con người duy nhất?
-        Giai đoạn diễn ra sự cộng sinh (liên kết với mẹ) là giai đoạn gì? Ở tuổi lên 02, đứa trẻ học nói “không” với mọi thứ, điều này có như là một giai đoạn của tiến trình trên, và đó là giai đoạn nào? Bạn nghĩ vào giai đoạn nào một nguời bộc lộ sự tách biệt nhiều hơn ra khỏi gia đình? Khi đứa trẻ nhỏ bò ra xa nhưng thường quay lại nhìn mẹ, điều gì đang xảy ra theo tiến trình mà chúng ta vừa mô tả ở trên? Khi đứa trẻ đến trường lần đầu, điều gì sẽ xảy ra?
-        Nếu đứa trẻ đến trường lần đầu trong khi cha mẹ đã ly dị, điều gì có thể xảy ra trong quá trình thích nghi với trường học của trẻ và trong việc học quan hệ với những người lạ? Khi một thanh thiếu niên rời khỏi nhà để vào đại học trong tình trạng cha mẹ ly dị, bạn nghĩ điều gì có thể xảy ra đối với người đó trong tiến trình cá biệt hóa?
-        Nếu cha mẹ là người luôn tỏ ra có uy quyền và quyết định tất cả mọi chuyện, điều gì có thể xảy ra đối với đứa trẻ trong suốt tiến trình cá biệt hóa? Nếu cha mẹ luôn lo sợ sẽ mất con và muốn kiểm tra tất cả những suy nghĩ và hành động của trẻ, điều gì sẽ xảy ra trong suốt tiến trình cá biệt hóa của cô/ cậu ta? (Sử dụng tài liệu DSM-IV, nghiên cứu tên gọi của những rối loạn nhân cách mà bạn có thể áp dụng vào đây)
-        Mối liên hệ giữa việc có một sự khỏe mạnh trong cảm nhận về bản thân với lòng tự tôn? Mối liên hệ giữa cảm giác như một người tách biệt với những ý nghĩ và nhận định riêng để có thể làm mọi thứ với lòng tự tôn? Cảm giác tách biệt khỏi những người trong gia đình và những người khác có phải là phổ biến trong nền văn hóa của bạn?
-        Làm thế nào để một người vừa có thể trung thành với những thành viên trong gia đình vừa có thể không đồng ý với họ hay có thể đưa ra những quyết định mà có thể là đối nghịch lại với quyết định của gia đình?
Vào giữa thập niên 50 tại Mỹ, có hai tác giả quan trọng xuất hiện trong lĩnh vực Tâm lý học phát triển, đó là Abraham Maslow và Eric Erikson. Cả hai ông đã xây dựng những mẫu hình mô tả các giai đoạn phát triển của con người. Theo hai ông, những giai đoạn đầu được hoàn thành với việc đứa trẻ nhận được sự an toàn và chăm sóc. Những giai đoạn sau tập trung trong việc phát triển lòng tin và cái ý thức về việc thuộc về xã hội (trường học, gia đình, cộng đồng). Sau cùng, theo Maslow, trong thực tế, mục tiêu của sự phát triển và trưởng thành của con người là cái mà ông gọi là “sự tự trị”, hay là việc nhận rõ ra toàn bộ những tiềm năng và chính bản thân của một người. Theo Erikson, những giai đoạn này phức tạp hơn và chúng ăn khớp với nhau. Ông mô tả giai đoạn của sự phát triển tính thân mật và tình yêu với người khác, năng lực làm việc và sự chín muồi theo một con đường khỏe mạnh là bằng cách hấp thu những trải nghiệm tiêu cực và củng cố những trải nghiệm tích cực của một con người. Nếu một cá nhân trải qua được tất cả các giai đoạn của sự phát triển con người, tiềm năng của anh ta sẽ được phát triển đầy đủ và chín muồi, anh ta sẽ có thể nhìn cuộc sống của chính mình như là một cuộc sống có giá trị và thỏa mãn.
TRÀO LƯU NHÂN VĂN
Những tác giả này, Maslow, Erikson, và cả Carl Rogers, đã hình thành nên một bộ xương sống của cái mà chúng ta gọi là “Trào lưu nhân văn” trong tâm lý học trong suốt thời gian giữa thế kỷ 20. Tầm ảnh hưởng của những công việc của họ, đặc biệt là công việc của Rogers, trong việc giúp người khác phát triển đầy đủ tiềm năng của họ, là một phần rất lớn và quan trọng trong tâm lý trị liệu ngày nay. Trong lĩnh vực tham vấn tâm lý, một cách đặc biệt, các nhà tham vấn được đưa đến để mở ra những con đường giúp chính thân chủ có thể phát huy một cách đầy đủ những tiềm năng của họ, và không phải bận tâm quá nhiều đến những gì người khác hoặc xã hội mong đợi.
Sự cá biệt hóa khỏi gia đình là một tiến trình phức tạp và rất nhiều nhà trị liệu đã đóng góp công sức của mình trong lĩnh vực này. Một trong số đó là Murray Bowen, người đã đóng góp phần mình trong lý luận về sự CÁ BIỆT HÓA KHỎI SỐ ĐÔNG. Murray Bowen, một nhà tâm lý gia đình, nói rằng công việc của mỗi người trong việc xây dựng bản thân là hoàn thành việc tách rời mình khỏi cộng đồng của GIA ĐÌNH GỐC. Khi có quá nhiều sự lệ thuộc, một người sẽ trở nên GẮN CHẶT với những thành viên trong gia đình và không thể phân biệt được cái bản thân thật sự của mình với những ý kiến và hành vi của người khác. Khi quá độc lập, thì một người lại trở nên XA RỜI khỏi những thành viên khác trong gia đình và không thể phát triển được sự gắn bó và thân mật một cách dễ dàng.
CÂU HỎI:
-        Khi sự cá biệt hóa không thể diễn ra, những vấn đề nào về tâm lý có thể xuất hiện nơi đứa trẻ và thanh thiếu niên?
-        Theo tâm lý trị liệu, hành trình của cuộc sống của một người là tách biệt được mình ra khỏi gia đình gốc. Những yêu cầu để một người có thể thành công và xây dựng được một cách đầy đủ bản thân riêng của mình và sau cùng là có thể tạo lập được một cuộc sống gia đình riêng, kèm theo khả năng để hòa hợp/liên đới với người khác là gì?
PHẦN II: NHỮNG TÁC GIẢ CHÍNH VÀ LÝ THUYẾT CỦA HỌ VỀ TÂM LÝ HỌC
Freud, Rogers, Adler, Wolpe, Bowlby, Ellis
Phần này sẽ lựa chọn để giới thiệu những nhà lý luận chính trong tâm lý trị liệu, là những người mà lý luận của họ vẫn còn có giá trị ngày nay. Họ là Sigmund Freud, Alfred Adler, John Bowlby, Joseph Wolpe, Carl Rogers và Albert Ellis. Có rất nhiều người khác cũng có thể được xem là những tác giả chính, nhưng chúng tôi không thể trình bày được tất cả ở đây, vì thế bạn phải tự mình tìm kiếm những thông tin đó một cách độc lập. Những thông tin dưới đây sẽ cung cấp một cái nhìn về những nhà lý luận và những liệu pháp tâm lý của họ. Tiếp theo đó, trong phần III, chúng tôi sẽ cung cấp thêm những thông tin phức tạp hơn về những lý thuyết và liệu pháp này. Các bạn có thể tham khảo thêm trong các giáo trình khác và trên internet về lý thuyết và liệu pháp của các tác giả trên đây, là những lý thuyết và liệu pháp đang được sử dụng hiện nay trong lĩnh vực trị liệu.
SIGMUND FREUD VÀ PHÂN TÂM HỌC
Sigmund Freud sinh ra tại Vienna, nước Áo, đầu tiên ông xây dựng lý thuyết về “tự phân tích” (self-analysis), sau này gọi là “Phân tâm học”, phân tích tâm trí và những thành phần của nó (như lý thuyết về cái Nó, cái Tôi và cái Siêu Tôi). Sinh vào thế kỷ 19, ông đã tạo ra một dấu ấn trong suốt giai đoạn cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Những đóng góp của ông trong việc hiểu tâm trí hoạt động như thế nào là không thể ước tính được, bất chấp những chỉ trích lúc đó và những sự phá hoại đối với các lý thuyết và thái độ của ông. (Những lý thuyết và thái độ của ông hướng đến phụ nữ là một ví dụ).
LÝ THUYẾT VÀ LIỆU PHÁP TÂM ĐỘNG (Psychodynamic)
Ngày nay, rất nhiều nhà trị liệu phương Tây không còn thực hành Phân tâm học nữa. Thay vào đó, lý thuyết và liệu pháp tâm động lại được sử dụng bởi hầu hết các nhà trị liệu, hơn cả những nhà trị liệu hành vi. Cách làm là yêu cầu thân chủ nói về lịch sử gia đình của họ: số thành viên trong gia đình, thân chủ có mối quan hệ thành công hơn hay ít thành công hơn với cha hay với mẹ; những tổn thương lúc nhỏ là gì, cả về thể xác, tâm trí hoặc tình dục, nếu có; mô tả những trải nghiệm thời mới đến trường và khả năng của thân chủ trong việc quan hệ với bạn bè; trao đổi về những mối quan hệ thân mật thời kỳ cuối vị thành niên, những trải nghiệm trong công việc…. Điểm đặc biệt là nó cung cấp cho nhà trị liệu đầy đủ những thông tin mà nhờ đó, nhà trị liệu có thể bắt đầu đi vào bên trong những trải nghiệm của thân chủ, để hiểu và thấu cảm được với những trải nghiệm đó. Nếu thân chủ tin tưởng vào nhà trị liệu, nhờ qua những kỹ năng nhà trị liệu đã sử dụng như: lắng nghe tích cực, đặt câu hỏi, thấu cảm, chấp nhận vô điều kiện (không đánh giá), sau đó thân chủ có thể sẽ nói tất cả hoặc hầu hết những trải nghiệm đau đớn mà lâu nay anh ta đã giữ kín bên trong, đó là những trải nghiệm mà nếu bị sai lệch, nó sẽ tạo thành những vấn đề rắc rối trong cuộc sống của anh ta.
Nhà trị liệu sẽ luôn ở trong tư thế cảnh báo để giúp thân chủ nhận ra những cơ chế phòng vệ nào đã làm bóp méo sự thật và là nguyên dẫn những mâu thuẫn nội tại, hoặc là nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn với người khác trong công việc hoặc trong những mối quan hệ thân mật. Khi những hình thức rối nhiễu này xuất hiện, nhà trị liệu sẽ cố gắng để hỗ trợ, tạo ra sự thấu hiểu bên trong thân chủ về những mô hình hành vi phòng vệ mà thân chủ vẫn đang sử dụng, những sự phòng vệ này có nguồn gốc từ lúc nhỏ và đến bây giờ nó lại mâu thuẫn với những thực tế của một người trưởng thành.
CARL ROGERS VÀ TIỀM NĂNG CON NGƯỜI
Sự khác nhau giữa cách mà Freud và những người đồng thời ông đã thực hành phân tâm học với cách mà hầu hết những nhà trị liệu ngày nay sử dụng trong tâm lý trị liệu là mối quan hệ. Vào thời đại của Freud, nhà trị liệu là một người lãnh đạm, quan sát viên lạnh lùng, người này sẽ ngồi đằng sau thân chủ và không có tương tác nhiều với thân chủ. Ông ta chỉ yêu cầu thân chủ tiến hành “liên tưởng tự do”, trong việc phản hồi lại những từ ngữ được đưa ra (ví dụ: Nhà trị liệu nói “Đỏ”; thân chủ đáp “Giận dữ”) hoặc ông yêu cầu thân chủ kể lại những giấc mơ của họ, sau đó ông sẽ tiến hành phân tích những giấc mơ đó.
Vào giữa thế kỷ 20, xuất hiện một nhà tâm lý học mới, Carl Rogers, là người khép lại cái khoảng cách giữa thân chủ và nhà trị liệu nhằm để xây dựng sự tin tưởng, cởi mở và tạo điều kiện hỗ trợ thân chủ thấu hiểu được những vấn đề bên trong con người của họ. Công việc của ông được ghi nhận như là liệu pháp Rogerian và nó là một phần của trào lưu Nhân văn  (vì sự phát triển những tiềm năng con người) trong Tâm lý trị liệu.
Tư tưởng của Rogers về sự thành công của liệu pháp được thống nhất trong 05 phần sau:
1.     Thân chủ có nhu cầu được giúp đỡ
2.     Nhà trị liệu phải thích hợp (mạnh khỏe và hiểu đầy đủ; biết, hiểu, và chấp nhận chính bản thân mình)
3.     Nhà trị liệu có thể thấu cảm được trong giao tiếp với thân chủ (khả năng trải nghiệm hoặc hình dung được những nỗi đau và tổn thương của thân chủ).
4.     Nhà trị liệu có thể “chấp nhận vô điều kiện” được trong giao tiếp với thân chủ (những gì một người mong đợi từ tình yêu thương của cha mẹ, sẵn sàng không đánh giá để có thể hiểu và tha thứ).
5.     Khi thân chủ trải nghiệm được những điều trên, anh/ chị ta có thể nhập tâm hóa được sự chấp nhận một cách tích cực của nhà trị liệu và tăng sự tự tin và lòng tự tôn để có thể đi vào những mâu thuẫn trong đời sống của anh/chị ta.
Trong khi Freud rất quan tâm đến những giai đoạn của sự phát triển mà nó được dẫn đến từ tính dục hoặc libido (năng lực sống), chẳng hạn giai đoạn dương vật và giai đoạn Ơđip, ông hình dung rằng động lực tính dục sẽ làm nảy sinh tính sở hữu trong đứa trẻ hướng đến người cha hoặc mẹ khác giới với chúng và sinh ra sự ghen ghét và thù địch đối với người phối ngẫu. Freud tin rằng đứa trẻ sẽ phải giải quyết những mâu thuẫn của chúng trong mỗi giai đoạn của sự phát triển hoặc sẽ bị ngăn trở trong quá trình lớn lên. Thì những nhà lý luận khác lại có những cách nhìn khác biệt và thay đổi liên tục về sự phát triển và những động lực của con người.
ALFRED ADLER VÀ SỰ THẤP KÉM VÀ CAO CẤP
Ngày nay, chúng ta tin ít về những mẫu hình các giai đoạn phát triển của Freud, và nhiều hơn vào tiến trình gắn kết trong giai đoạn tuổi thơ và sự cá biệt để hướng đến một sự độc lập khỏe mạnh hay sự tự tin. Freud có hai người đệ tử, một là Carl Jung, và người kia là Alfred Adler. Công việc của Jung vẫn luôn thấy ở trong những gì huyền bí, trong khi Tâm lý học của Adler vẫn còn ảnh hưởng đến các nhà trị liệu. Adler đã đề nghị rằng động lực tính dục không phải là điều có ý nghĩa trong sự phát triển của con người như là nhu cầu của mỗi cá nhân trong việc tránh đi những cảm giác của việc bị thấp kém. Theo Adler, một người phải cảm thấy được công bằng với những người khác, hoặc là cao hơn, để xây dựng được lòng tự tin và lòng tự tôn cao. Adler chỉ ra rằng những anh chị em thường thể hiện sự “cạnh tranh anh chị em”, đó chính là sự cố gắng đầy khó khăn hướng đến tình yêu thương của cha mẹ và để không cảm thấy thấp kém (cảm giác rằng cậu ta không phải là đứa con được ưa thích).
ALBERT ELLIS VÀ LÝ THUYẾT NHẬN THỨC - HÀNH VI
Lý thuyết nhận thức hay theo cách gọi của Ellis, lý thuyết Lý trí - Cảm xúc, và phần đi cùng, liệu pháp nhận thức, tập trung vào việc làm cho đúng lại những giả thiết, những suy nghĩ, những hiểu biết sai lệch của thân chủ đối với chính họ và người khác. Nó bao gồm những hoạt động mà họ nghĩ rằng họ phải hoàn thành, những từ ngữ được nói ra mà có nguyên nhân từ những vấn đề do tưởng tượng hoặc thậm chí là những bi kịch trong các mối quan hệ.
Khi nhà trị liệu sử dụng liệu pháp nhận thức, ông ta đang cố gắng để tạo ra một sự hiểu biết và lý giải đúng đắn hơn về những gì mà thân chủ có thể tin là sự thật và đâu là nguyên do dẫn đến căng thẳng cho anh ta hoặc người khác. Cách tiếp cận ở đây là tìm cho ra những gì thân chủ nghĩ về căn nguyên của những vấn đề của họ, nó như là kết quả của việc xem xét toàn bộ lịch sử của quá khứ và gia đình của anh ta, sau đó hỗ trợ cho anh ta nhận ra được những sai lầm trong suy nghĩ của mình.
Trong một lần trị liệu, nhà trị liệu đã thử hỗ trợ thay đổi những hành vi mà sẽ mang lại lợi ích cho chính thân chủ, bây giờ là một cách nhìn khác về những vấn đề của thân chủ. Sự thay đổi từ một lý thuyết và liệu pháp này đến lý thuyết và liệu pháp khác khi cần thiết, được mô tả bằng cái mà ngày nay chúng ta gọi là cách tiếp cận “Chiết trung” trong tham vấn cho thân chủ. Chiết trung có nghĩa là khác nhau: chúng ta sử dụng những liệu pháp của những lý thuyết khác nhau để áp dụng vào những thông tin mà chúng ta có được về thân chủ. Trong quá khứ, chỉ có một cách tiếp cận được sử dụng, đó là phân tâm học, bởi vì vào thời gian đó, công việc của Freud là quá kiệt xuất, nhưng qua thời gian, đã có rất nhiều nhà lý luận khác đã mang thêm những thành tựu của họ vào trong lĩnh vực này. Ngày nay chúng ta sử dụng tất cả những lý thuyết, những kỹ thuật liệu pháp và những chiến lược hợp lý để giúp thân chủ giải quyết được những nỗi đau khổ và những vấn đề rối nhiễu mà nó đã làm giới hạn đi khả năng thưởng thức một cuộc sống đầy đủ.
JOSEPH WOLPE: LÝ THUYẾT VÀ LIỆU PHÁP HÀNH VI
Lý thuyết và liệu pháp hành vi được sử dụng độc lập và cũng được sử dụng trong sự liên kết với liệu pháp nhận thức để giúp thân chủ thay đổi những hành vi không phù hợp. Nếu thân chủ đã nhận được những lợi ích từ liệu pháp nhận thức và đã nhận biết và lý giải lại được những trải nghiệm chính trong cuộc sống của anh ta, thì bước tiếp theo có thể là thay đổi những hành vi đã sử dụng trước đây và bây giờ nó không còn phù hợp nữa.
Chủ nghĩa hành vi có nguồn gốc từ những thực nghiệm của một nhà khoa học người Nga, Pavlov, người đã làm thực nghiệm điều kiện hóa bằng cách sử dụng con chó và dạy hay là điều kiện hóa để chúng chảy nước dãi khi nghe tiếng chuông, mà không cần phải có thức ăn. Pavlov cho rằng tất cả chúng ta đều được điều kiện hóa để hành động trong những cách thức hiển nhiên và những điều kiện đó phải được lặp lại liên tục để chúng ta có thể hành động theo một cách khác, nếu chúng ta muốn có những thay đổi hiệu quả trên hành vi.
B.F. Skinner, một nhà hành vi khác, cũng có những đóng góp quý giá của mình cho lĩnh vực này, nhưng chính Joseph Wolpe mới là người xây dựng nên liệu pháp hành vi mà chúng ta vẫn sử dụng đến ngày hôm nay để giúp thân chủ giảm những hoảng sợ và cho những ai đơn giản chỉ muốn thay đổi những hành vi mà chúng được xem là không còn hữu ích nữa cho chính họ cũng như cho người khác.
Giải mẫn cảm cho thân chủ là một kỹ thuật nhà trị liệu sử dụng để thay đổi những hành vi hoảng sợ. Nhà trị liệu để cho thân chủ đối diện hoàn toàn với những nỗi hoảng sợ mà anh/ chị ta cảm thấy đối với các vật thể, tình huống, con người, thú vật…, bằng cách đi cùng với thân chủ trong suốt quá trình này. Một cách từng bước, một thân chủ với nỗi sợ bay, có thể giải quyết được bằng việc cho nhìn thấy hình chụp của chiếc máy bay, đi cùng nhà trị liệu đến phi trường, nhìn rồi ngồi vào bên trong máy bay…
Tràn ngập là một kỹ thuật khác được sử dụng, nhưng nó rất đột ngột và tiềm tàng những sự nguy hiểm. Cho thân chủ đối mặt hoàn toàn tất cả một lần với nỗi sợ, đặc biệt nếu thân chủ là người rất chống lại sự thay đổi, chẳng hạn có thể đối với thân chủ nghiện.
Trong việc thay đổi nhận thức - hành vi, những bài tập hành vi đi sau việc cấu trúc lại nhận thức trong những trải nghiệm của thân chủ. Trong tiến trình này, đầu tiên thân chủ sẽ được yêu cầu để trở nên ý thức hơn về những cảm giác thể chất khi anh ta cảm thấy lo âu, hoảng sợ hoặc những cảm giác nguy hiểu. Rồi sau đó thân chủ được yêu cầu không phải làm gì cả nhưng chú ý đến những sự kiện. Cuối cùng, thân chủ được yêu cầu để thực hiện một sự đổi khác đối với một hành vi mà anh ta từng sử dụng trong quá khứ mà nó là những hành vi không phù hợp.
Có rất nhiều lý thuyết và kiến thức có liên quan đến Freud và những tư tưởng đầy sáng tạo của ông. Ông đã xây dựng nên Phân tâm học và làm cho nó trở nên có giá trị. Thậm chí trong suốt thời của ông, nó không có được nhiều thành công, mặc dầu nếu không có những khái niệm đầu tiên này, chúng ta sẽ không bao giờ xây dựng được những đặc trưng cho việc chữa trị sức khỏe tâm thần hiện nay, một lĩnh vực mà chúng ta có thể làm giảm đi những tổn thương và đau khổ cho rất nhiều người.
CÂU HỎI:
-        Một trong những đóng góp của Freud là sự phân tích và chẩn đoán của “mù hystery”. Bạn nghĩ gì về sự liên quan của khái niệm này với lý thuyết của ông?
-        Tại sao Freud gọi Phân tâm học là cách chữa trị “bằng cách nói”? Làm thế nào để có thể chữa trị bằng cách “nói” với một ai đó? Chẳng hạn trong trường hợp một bệnh nhân “bị mù” hay nói rằng bà ta không thể nhìn thấy được? Freud đã hiểu rằng bà ta đang phản ứng lại với cái cảm giác tội lỗi bằng cách cố đẩy chúng vào trong vô thức. Nếu bà ta nhận ra được những mâu thuẩn thật sự đã được che đậy khỏi phần ý thức của mình, thì bà ta sẽ có thể nhìn thấy trở lại một cách bình thường.
-        Động lực đang hoạt động trong trường hợp này là gì? Cơ chế tự vệ đã được sử dụng để tạo ra tình trạng “mù”, cũng như trong việc hồi phục của bệnh nhân là gì?
XÃ HỘI VÀ NHÂN CÁCH
Những rối loạn nhân cách chính là: Ranh giới (BPD), Lệ thuộc (DPD), Am ảnh -Cưỡng bách (OCD), Tránh né (APD), Ai kỷ (NPD)…
Có rất nhiều loại rối loạn tâm lý, trong đó bao gồm cả những rối loạn ở trẻ em: Rối loạn lo âu, Rối loạn hoảng sợ, Rối loạn ăn uống (háu ăn, chán ăn), Rối loạn thích nghi, Rối loạn phát triển, Rối loạn tình dục, Rối loạn khí sắc…
Hãy tìm hiểu những bệnh lý chính yếu về tâm thần: Trầm cảm, Hưng trầm cảm, và tâm thần phân liệt, và tất cả những rối loạn khác trong tài liệu DSM-IV.
CÂU HỎI:
-        Theo bạn, những rối loạn tâm lý nào là phổ biến trong xã hội và nền văn hóa của chúng ta?
ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP
BÍ MẬT
Đó chính là những hành vi tất yếu được tuân giữ một cách cẩn trọng. Trên hết, tất cả những gì thân chủ đã tiết lộ về cuộc đời của họ PHẢI ĐƯỢC GIỮ BÍ MẬT. Trách nhiệm của bạn là phải bảo vệ cho sự riêng tư của thân chủ trong mối quan hệ với bạn. Sự tin cậy sẽ được tạo lập khi điều này được thực hiện.
QUAN HỆ SONG ĐÔI
Quan hệ song đôi dẫn đến những điều tự nhiên trong mối quan hệ giữa thân chủ và nhà trị liệu. Nhà trị liệu giữ vị trí là người giúp đỡ hay là một hình ảnh có uy quyền, vì thế, nếu có thêm mối quan hệ bạn bè, hoặc một mối quan hệ thân mật giữa thân chủ và nhà trị liệu bên ngoài phòng tham vấn là điều sai lệch và nó có thể sẽ làm phá vỡ đi những nỗ lực của thân chủ trong việc giải quyết những vấn đề của chính họ.
SỰ TIN CẬY
Sự tin tưởng của thân chủ đối với nhà trị liệu được in sâu trong nhận thức của họ đó là, nhà trị liệu là một người chân thật. Nếu có phát sinh một vấn đề nào đó trong quá trình chữa trị cho thân chủ, nhà trị liệu sẽ phải lưu ý đến việc thảo luận với thân chủ và/ hoặc chuyển thân chủ đến một nhà trị liệu khác. Một cách khôn ngoan là nhà trị liệu đưa những vấn đề phát sinh đó ra thảo luận với người giám sát hoặc những người đồng nghiệp khác của mình.
SỰ CẦN THIẾT VỀ SỨC KHỎE TÂM THẦN CỦA NHÀ TRỊ LIỆU
Điều cần thiết là nhà trị liệu phải bộ lộ những vấn đề trong cuộc sống riêng của anh ta trước khi thực hành điều trị cho thân chủ. Vấn đề trung tâm của sự chuyển di ngược (điều có thể xảy ra khi thân chủ cảm thấy giận hoặc buồn nhà trị liệu, và sau đó nhà trị liệu phản ứng tiêu cực hoặc thậm chí có thể là trả thu) là sự khỏe mạnh cuối cùng của thân chủ. Nhà trị liệu phải kìm chế để bảo vệ cho sự khỏe mạnh của thân chủ.
Sự chuyển di xảy ra khi thân chủ trở nên thoải mái với nhà trị liệu và bắt đầu phóng chiếu lên nhà trị liệu những cảm xúc của họ đối với những người có ảnh hưởng đến thân chủ, có thể là cha mẹ. Một nhà trị liệu có kiến thức, và là người đã bộc lộ được tất cả những vấn đề trong cuộc sống riêng của anh ta, sẽ không bị sập bẫy bằng cách trả thù thân chủ (chuyển di ngược). Nếu nhà trị liệu nhận thấy những phản ứng của anh ta tới thân chủ là quá mạnh và quá tự nhiên, anh ta sẽ phải tìm sự giúp đỡ từ người giám sát hoặc những đồng nghiệp của mình.
NHỮNG RANH GIỚI
Nhà trị liệu phải đặt ra những ranh giới ngay từ đầu và duy trì chúng. Những quy định của việc tham vấn, chức năng, lưu ý về việc hủy bỏ giờ làm việc, phương thức thanh toán phí… sẽ phải được thảo luận và củng cố. Thêm nữa, nhà trị liệu phải chú ý để không đưa những vấn đề riêng tư trong cuộc sống của anh ta vào trong tiến trình trị liệu cho thân chủ. Kỹ năng tự bộc lộ trong tham vấn phải được sử dụng một cách khôn ngoan và hạn chế, tâm lý trị liệu là cho thân chủ chứ không phải là cho nhà trị liệu.
ĐƯA LÝ THUYẾT VÀO THỰC HÀNH: SỰ KỲ DIỆU CỦA THAM VẤN
NHỮNG THÁI ĐỘ VÀ GIÁ TRỊ
Cái mà tôi gọi là sự kỳ diệu của tham vấn chính là những kỹ năng, những giá trị và những thái độ của một nhà tâm lý trị liệu. Trước hết, những giá trị và thái độ của nhà trị liệu phải như là một người giúp đỡ, người có thể thể hiện đựơc sự cảm thông, yêu thương và khích lệ một cách chân thật, vì thế mà thân chủ có thể nhận và nhập tâm được những cảm giác này vào chính anh/ chị ta (thân chủ có thể cảm thấy được giá trị của tình thương và sự tôn trọng, và tăng lên lòng tự tôn). Sự chấp nhận vô điều kiện đối với thân chủ, một trong những yêu cầu để trị liệu thành công của Carl Rogers, là chìa khóa của việc di chuyển sự chấp nhận từ nhà trị liệu đến thân chủ, người mà sau đó sẽ học để chấp nhận chính họ bằng cách NHẬP TÂM HÓA sự chấp nhận của một người có ý nghĩa đối với họ. Tuy nhiên, mối quan hệ phải được xây dựng qua thời gian và qua những trải nghiệm để làm nảy sinh lòng tin cậy trong sự tương tác của nhà trị liệu đối với những cảm xúc và những bí mật sâu thẳm nhất của thân chủ, mà có thể là họ sẽ không bao giờ có thể bộc lộ ra được với bất kỳ một người nào khác.
MỤC TIÊU CỦA NHÀ TRỊ LIỆU LÀ TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO SỰ BỪNG HIỂU CỦA CHÍNH THÂN CHỦ ĐỐI VỚI NHỮNG HÀNH VI CỦA HỌ, BAO GỒM CẢ VIỆC TÁI NHẬN THỨC VỀ NHỮNG CƠ CHẾ PHÒNG VỆ ĐÃ LÀM CẢN TRỞ SỰ TRƯỞNG THÀNH CỦA HỌ VÀ TRONG NHỮNG MỐI QUAN HỆ VỚI NGƯỜI KHÁC. NHÀ TRỊ LIỆU KHÔNG NÓI VỚI THÂN CHỦ PHẢI LÀM THẾ NÀO ĐỂ “TRỞ NÊN TỐT HƠN” HOẶC VẤN ĐỀ CỦA HỌ LÀ GÌ.
NHỮNG KỸ NĂNG CỦA TÂM LÝ TRỊ LIỆU
LẮNG NGHE TÍCH CỰC:
Nhà trị liệu nhìn thẳng vào thân chủ để nghe tất cả những gì họ nói, qua đó có thể nắm bắt được mọi thông tin từ những lời nói bóng gió nhưng chúng có thể cung cấp cho nhà trị liệu chìa khóa để hiểu về những vấn đề của thân chủ.
ĐẶT CÂU HỎI:
Là chìa khóa để khám phá và hiểu được những thông tin của thân chủ. Hỏi những thông tin thích hợp. Chỉ khi bạn hiểu được tất cả những thông tin cần thiết về thân chủ thì bạn mới có thể tạo ra được những điều kiện thuận lợi nhằm giúp cho thân chủ tự thấu hiểu được những hành vi của họ.
LÀM RÕ VẤN ĐỀ:
Là việc hỏi lại thân chủ để làm cho rõ ràng hoặc là làm sáng ra một số thông tin mà thân chủ vừa nói. Câu hỏi “Ông/ Bà vui lòng nói rõ hơn về điều đó cho tôi được chứ?” luôn là một câu hỏi quan trọng, nó cho biết rằng bạn đang thật sự muốn biết một cách chính xác về những ý nghĩa, giá trị từ những gì thân chủ nói và thât sự tôn trọng chúng.
BỘC LỘ:
Là việc lựa chọn một số thông tin cá nhân, riêng tư của nhà trị liệu để chia sẻ cùng với những trải nghiệm của thân chủ, đặc biệt khi thân chủ đang thảo luận về những sự đau khổ mà họ phải gánh chịu. Sự chia sẻ này giúp củng cố thêm sự tin cậy giữa thân chủ và nhà trị liệu.
THẤU CẢM:
Khả năng của nhà trị liệu để có thể ĐỒNG CẢM được với những trải nghiệm của thân chủ, nhà trị liệu có thể hình dung hoặc biết được những khó khăn trong cuộc sống mà thân chủ phải đối diện là gì. Sự thấu cảm này giúp cho tiến trình hỗ trợ thân chủ trở nên có hiệu quả hơn.
CHẤP NHẬN VÔ ĐIỀU KIỆN:
Khả năng khích lệ và chấp nhận được thân chủ một cách không phê phán, bất chấp những thông tin tiêu cực có thể tạo ra những định kiến không tốt từ những người khác. Sự chấp nhận vô điều kiện này cũng giống những gì mà cha mẹ đã làm với những đứa trẻ, thậm chí khi đứa trẻ có những hành vi không đúng. Khi sự chấp nhận vô điều kiện này diễn ra trong tiến trình trị liệu, chúng ta gọi mối quan hệ đó là “sự tái giáo dưỡng” thân chủ, hay chính là chúng ta đang mang lại cho thân chủ sự giáo dưỡng thật sự mà họ đã không nhận được trong suốt giai đoạn trẻ thơ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét